Đó là toàn bộ quy trình mà thầy Năm, trạc 65 tuổi, nước da trắng, người dong dỏng cao, ở cuối con hẻm đối diện sân vận động huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, chữa bệnh cho một vị khách bị đau khớp.
Khi nghe thầy phán vị khách ngạc nhiên không thốt nổi lời nào, thầy liền hỏi: “Có thấy các chỗ đau trong người nóng lên không?”. Khách vội vàng đáp: “Có nóng chút chút”, mặc dù thực tế trong người chẳng có gì thay đổi. Thầy liền tươi cười: “Mới lần đầu mà như vậy là khá rồi, nhất định trị khoảng 2 tuần là hết hẳn”.
Bằng giọng đều đều, thầy bắt đầu giải thích với những hình ảnh ví von: “Đây là phương pháp trị bệnh bằng nhân điện, bệnh nhân không cần uống thuốc mà thuốc ở đây là năng lượng được lấy từ vũ trụ. Cô cứ hình dung khách là cái máy phát còn cô là cái máy thu. Một phút nhìn qua trái là để lấy năng lượng, sau đó truyền vào người cô, cứ mỗi khớp đau truyền 5 giây. Nếu truyền lâu hơn thì cũng vô bổ vì giống như một cái bình đầy nước, có đổ vào thêm cũng tràn ra ngoài”.
Những người ở gần nhà thầy, có điều kiện được thầy trị bệnh trực tiếp thì không phải lưu tên họ, còn như trường hợp của người ở xa thầy khuyên cần duy trì bằng phương pháp “trị bệnh từ xa”. Theo cách này, khách cứ yên tâm về Vũng Tàu, chỉ để lại tên tuổi và địa chỉ trong một miếng giấy nhỏ. Mỗi buổi tối tầm giờ đi ngủ thầy sẽ “nhìn vào miếng giấy đó để truyền năng lượng cho, chứ không nhất thiết khách phải đến nhà thầy”. Và thầy khẳng định: “Kiên trì thì ở nhà vẫn nhất định khỏi bệnh”. Nếu có nhiều người điều trị từ xa thì thầy bỏ tất cả các miếng giấy ghi tên tuổi vào một cái hộp và nhìn một lúc. Mọi người sẽ cùng “hưởng nguồn năng lượng đó như nhau”. Trước khi ra về, thầy còn dặn dò: “Có sử dụng thuốc Tây cùng lúc với phương pháp trị bệnh này cũng không sao, với điều kiện phải đem các thứ thuốc ấy đến cho tôi truyền năng lượng vào rồi mới uống thì mau khỏi bệnh hơn” . Thầy còn đưa ra nhiều biện luận cực kỳ khác người, chẳng hạn: “Phụ nữ hay mắc bệnh phụ khoa, có 40% nguyên nhân là do thường để bụng những chuyện nhỏ nhặt, 40% là do môi trường không trong lành và 20% còn lại là do suy nhược cơ thể...”.
Thầy Năm kể cách đây khoảng 8 năm, thầy bị bệnh tim, thận, đi trị khắp nơi nhưng không khỏi. Tình cờ được một thầy ở Tiền Giang nhận chữa bằng phương pháp nhân điện và “kết quả là khỏi hẳn”. "Thấy thần kỳ quá, tôi năn nỉ thầy truyền nghề lại, tốn khoảng một, hai trăm nghìn”. Từ đó đến nay, thầy Năm bắt đầu chữa bệnh cho rất nhiều người. Thầy khoe: “Mới đây có trường hợp một bệnh nhân bị khớp đã 10 năm, anh vợ của bệnh nhân là bác sĩ, chú ruột là tiến sĩ nhưng vẫn theo tôi trị bệnh và nay đã đỡ hẳn”. Điều đặc biệt là thầy không lấy tiền bất cứ ai vì “lấy tiền sẽ không còn điện để truyền nữa”. Nhiều người thấy vậy, thỉnh thoảng “biếu thầy chút quà”.
Không như thầy Năm, thầy Tám Bình lại quy tụ bệnh nhân ngay chính tại nhà bệnh nhân. Khoảng 1 tuần, thầy Tám từ nhà ở huyện Châu Thành xuống Giồng Trôm, đến một nhà bệnh nhân nào đó. Ở đây đã có sẵn 5-10 người được hẹn trước để đến cùng chữa bệnh một lúc. Phương pháp của thầy Tám cũng được giải thích là nhân điện nhưng “nhân bằng cách chạm tay vào những chỗ đau, để cho điện đi vào làm nóng lên nhằm diệt các tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh”.
Bà Tư Ký, nhà ở ngay chợ huyện đã kiên trì với phương pháp thầy Tám hơn 1 năm nay để trị bệnh thấp khớp. Bà cho biết: “Thầy không cho số điện thoại, ngoài đây ra không biết thầy có còn đi chỗ nào khác nữa. Mọi người chỉ gặp thầy bằng cách hẹn cụ thể ngày giờ tại một nhà nào đó”. Khi được hỏi có thấy bớt bệnh không, bà trả lời rất mơ hồ: “Hình như cũng đơ đỡ một thời gian, nhưng nếu không đi chữa thì có vẻ đau hơn”. Mỗi lần trị bệnh xong, thầy Tám không lấy tiền nhưng ai cho thì... vô tư nhận. Mà phần lớn bệnh nhân ít ai “can đảm” ra về thẳng mà quên không dúi vào túi thầy ít tiền bồi dưỡng...
Còn một kiểu chữa bệnh khác đặc biệt không kém đang tồn tại ngay trong mỗi xóm, mỗi ấp như một phong trào. Phương pháp thì vẫn là “chạm tay truyền năng lượng”, nhưng với cách này người dân nào cũng có thể trở thành thầy. Chỉ cần xem qua loa một cuốn sách (không rõ nguồn gốc) có đề cập đến cách “nhân điện” là có thể làm thầy. Chị Thúy Diễm, nhà ở xóm Ô2 thuộc chợ huyện cho biết: “Tôi bị bệnh viêm xoang mấy năm nay, thỉnh thoảng có lên TP HCM chữa nhưng thấy tốn kém và mất thời gian quá. Trong xóm có chị Loan đang tập nhân điện. Chị gọi tôi qua để thử chữa bệnh cho. Chị ấy lấy 2 ngón tay ấn lên sống mũi tôi và truyền điện. Tôi cũng có cảm giác nóng lên ở mũi và thấy dễ chịu. Tôi đã làm như vậy độ nửa tháng nay...”.
Theo lời chị Diễm, không chỉ riêng chị mà nhiều người dân ở đây cũng thích trị bệnh bằng phương pháp này vì lý do: không tốn tiền, không phải uống thuốc, đau lúc nào thì đến nhà thầy lúc đó, rất tiện...
Trước đây, “trị bệnh bằng nhân điện” một thời gian đã “làm mưa làm gió” ở TP HCM, sau đó lan ra tận Hà Nội và nay lại tràn về tận những miền quê xa xôi, nhưng xem ra nó vẫn có đất sống. Lý giải về điều này, một bác sĩ làm công tác tư vấn về mảng Đông Y nhận xét: “Do trình độ cũng như nhận thức về sức khỏe của người dân nông thôn chưa cao nên họ dễ tin vào những thầy lang này. Vả lại, vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên khi thấy một phương pháp chữa bệnh không tốn kém thì rất dễ chấp nhận”.
(Theo Sức Khỏe và Đời Sống)