"Lục Vân Tiên cổ tích truyện" gồm hai tập, tập một là bản thảo có tranh minh họa (296 trang), tập hai là lời bình chú cho bản thảo (312 trang). Sách thuộc thể loại văn học, nghiên cứu và tư liệu, do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành.
Đây là bộ truyện tranh màu được ra đời từ ý tưởng của ông Eugène Gibert - Đại úy Pháo binh Hải quân người Pháp. Vào thế kỷ thứ 19, khi đến Việt Nam để làm việc, ông đã yêu thích tác phẩm văn học nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Đình Chiểu. Ông tổ chức thực hiện bản thảo chép tay truyện thơ nổi tiếng này bằng tiếng Nôm lẫn tiếng Pháp với phần tranh minh họa do Lê Đức Trạch. Bộ bản thảo được thực hiện từ khoảng năm 1895 đến 1897. Khi trở lại Pháp, vào năm 1899, ông Gibert trao tặng cho Thư viện Viện Pháp. Đây là bản truyện thơ độc nhất vô nhị vì từ trước tới nay chưa từng được xuất bản thành sách.
Trải qua 112 năm, không ai để ý tới sự tồn tại và giá trị của bộ bản thảo. Đến năm 2011, trong một dịp thăm Thư viện Viện Pháp, Giáo sư Phan Huy Lê được giới thiệu một số tư liệu quý trong đó có bản thảo Lục Vân Tiên. Kể từ đó, bản thảo đã được các học giả Pháp, Việt chung sức nghiên cứu, tìm hiểu.
Sau thời gian nghiên cứu, Viện viễn đông Bác cổ Pháp đã quyết định in thành sách gồm hai tập, chia làm ba phần: phần một (tập một) là truyện thơ có tranh minh họa, phần hai (tập hai là phần chú giải của Gibert cùng phần ba là bản in truyện thơ.
Tác phẩm được trình bày công phu bằng ba ngôn ngữ theo thứ tự Pháp, Việt, Anh. Đây là lần đầu tiên truyện Lục Vân Tiên được dịch toàn bộ sang tiếng Anh. Những người thực hiện sách mong muốn ngoài việc khẳng định tầm quan trọng của những công trình nghiên cứu về Việt Nam cổ điển, cách làm này còn cho thấy nỗ lực cố gắng đưa tác phẩm phổ biến rộng rãi đến nhiều bạn đọc.
Ông Michel Zink - Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương nhận xét: "Chắc chắn ấn phẩm này sẽ cho phép giới trí thức tiếp cận nghệ thuật Việt Nam, đồng thời giúp các nhà khoa học có nguồn tư liệu phong phú trong công tác giảng dạy ngôn ngữ, thơ ca, văn minh vật thể và cả mỹ học Việt Nam thế kỷ 19".