Nguyễn Huy Tưởng sinh năm 1912 tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Đông Anh, Hà Nội). Lên 7 tuổi thì cha mất, mẹ gửi ông ra Hải Phòng ở với gia đình người chị, học tiểu học ở trường Bonnal.
Năm 20 tuổi, ông đỗ bằng Thành chung, bắt đầu học chữ Hán. Sau ba năm vất vả tìm việc, đến năm 1935 ông thi đậu vào ngạch thư ký nhà đoan. Nguyễn Huy Tưởng chăm đọc sách, chịu khó tìm ý tưởng, hàng ngày viết nhật ký. Năm 1938, ông hoạt động cho hội truyền bá quốc ngữ. Cuối năm 1944, ông bắt đầu tham dự các buổi họp bí mật của Hội Văn hóa cứu quốc.
Nguyễn Huy Tưởng được xem là một trong các nhà văn lớn có vai trò quan trọng cho việc xây dựng nền văn học mới ở Việt Nam, trước và sau Cách mạng tháng tám 1945.
![Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh tư liệu.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/07/nguyen-huy-tu-o-ng-4986-1628336229.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Gqi63dlblRqpForwzj-awg)
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh tư liệu.
Theo GS Phong Lê, là người đam mê đề tài lịch sử và trong tư chất một nhà văn hóa chuyên tâm, Nguyễn Huy Tưởng dành nhiều thời gian và tâm huyết cho lịch sử vương triều Trần.
Khởi đầu là chuyện về An Tư, một liệt nữ trong tiểu thuyết cùng tên và khép lại là chuyện về Trần Quốc Toản, người anh hùng nhỏ tuổi trong truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960). Một phụ nữ và một thiếu nhi - đó là hai chân dung được chọn đưa vào cận cảnh, trong bối cảnh một cuộc chiến chống ngoại xâm vào loại dữ dội và khó khăn bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Huy Tưởng được đánh giá sớm có ý thức đưa lịch sử dân tộc vào văn học để giữ lấy cái gốc của văn học nghệ thuật. Năm 20 tuổi, ông ghi trong nhật ký: "Người không biết lịch sử nước mình là con trâu đi cày ruộng; cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được".
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-2012), nhiều học giả, nhà nghiên cứu và phê bình văn học đã chung nhận định ông là người sống trong lịch sử và viết về lịch sử. Ông được mệnh danh là "người viết sử bằng văn chương".
"Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng thì văn đàn hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng lịch sử - truyền thống sẽ vơi đi sự bề thế, vẻ kỳ vĩ, tráng lệ và chất bi thương hào hùng", một nhà nghiên cứu nhận định.