Gần đây, nhiều nhà làm phim Trung Quốc báo động về những hành vi thiếu đạo đức nghề nghiệp trong giới phim ảnh. Theo QQ, nước này đang trong bối cảnh phim truyền hình cung không đủ cầu, chế tài quản lý chưa đáp ứng tốc độ phát triển mạnh của ngành sản xuất phim, dẫn đến việc làm phim chất lượng kém, diễn viên nhận cát-xê trên trời, giới đầu tư đầu cơ trục lợi. Tính chất "mì ăn liền" thể hiện ở nhiều khâu trong quá trình sản xuất, cho thấy sự hời hợt của nhà sản xuất, diễn viên với tác phẩm của họ. Đoàn phim biến thành cỗ máy chạy đua với thời gian, nhằm mục đích nhanh chóng cho ra sản phẩm để thu lời.
Lạm dụng diễn viên đóng thế
Năm 2016, diễn viên Lý Dịch Phong bị phát hiện nhờ diễn viên đóng thế trong nhiều cảnh quay, kể cả những cảnh... đi bộ.
* Lý Dịch Phong trong phim "Chim sẻ"
Nam diễn viên Dương Dương từng bị tố vào đoàn làm phim Vũ động càn khôn chưa đầy một tuần đã mất ba ngày dùng diễn viên đóng thế, người đóng thế được dán mặt nạ giống Dương Dương, thay anh diễn xuất.
Theo QQ, có nam diễn viên chính nhận cát xê hơn 550 nghìn nhân dân tệ một ngày (gần 1,8 tỷ đồng). Trong đó chi phí trả cho người đóng thế là 200-300 tệ một ngày.
Nhà biên kịch Tống Phương Kim chia sẻ trước đây đoàn phim chỉ gọi diễn viên đóng thế ở cảnh khỏa thân, đấu võ, vì những cảnh này không liên quan tới khả năng diễn xuất của nghệ sĩ. Còn hiện nay, người đóng thế thay diễn viên cả ở cảnh bộc lộ cảm xúc. "Đó là hiện tượng bất bình thường, bắt nguồn từ việc diễn viên bí bách thời gian. Ngày nay người có tiền đổ vào đầu tư làm phim, đoàn phim muốn nhanh chóng có sản phẩm để thu lời. Muốn đảm bảo có lời, nhanh thu lợi nhuận thì phải kiếm người đang nổi đình đám - chính là các trai trẻ mặt hoa da phấn".
Ở Trung Quốc, các tài tử trẻ, đẹp trai thường được gọi bằng cụm "miếng thịt tươi". Những "miếng thịt tươi" nhận được quá nhiều sự săn đón, dẫn đến họ có lịch trình kín mít, không thể dồn tâm lực cho một tác phẩm, do vậy, diễn viên đóng thế là giải pháp.
Trả lời phỏng vấn QQ về việc sử dụng diễn viên đóng thế trong Chim sẻ, Lý Dịch Phong cho biết thời gian gấp gáp nên đoàn phim chia làm hai tổ A - B. Có lúc anh quay ở tổ A xong, chuyển sang tổ B. Trong lúc đó, tổ A quay cảnh rộng hoặc một số chi tiết. Lúc đó đoàn phim sẽ phải dùng biện pháp giải quyết việc diễn viên chính không có mặt. "Đó là tình thế bắt buộc, không có cách nào khác, bên nào cũng phải chịu áp lực", Lý Dịch Phong nói.
Giải thích cho việc cảnh cầu hôn cũng nhờ người đóng thế, Lý Dịch Phong cho biết cảnh này được quay bổ sung, bản thân anh không đồng ý tình tiết này nên đã không đến quay thêm, vì thế đoàn phim dùng người đóng thế.
Trong khi đó, đạo diễn phim giải thích: "Cường độ làm việc cao, một Lý Dịch Phong không thể hoàn thành hết". Đạo diễn khẳng định tài tử họ Lý tự hoàn thành các cảnh quan trọng trong phim.
Lạm dụng ghép người vào cảnh
* Các cảnh thiếu chân thực trong "Cô phương bất tự thưởng"
Phương pháp khác được sử dụng trong các phim "mì ăn liền" là ghép người vào cảnh. Kỹ xảo này thường được sử dụng trong các tác phẩm hoành tráng mà nếu quay ngoại cảnh thật sẽ gây nguy hiểm. Phim Cô phương bất tự thưởng (Chung Hán Lương, Angelababy đóng chính) bị khán giả phàn nàn vì lạm dụng phương pháp này.
Đại diện đoàn phim sau đó thừa nhận trên 163 phim sử dụng kỹ xảo ghép người vào cảnh và xử lý kỹ xảo chưa khéo.
"Trước kia nghệ sĩ diễn phim, giờ họ diễn mặt, chỉ cần có khuôn mặt họ ở đó là được", một nhà biên kịch nói.
"Kỹ xảo phát triển mạnh những năm gần đây. Tuy nhiên việc kỹ xảo lồng ghép nhằm che đậy việc diễn viên không tới trường quay thực sự là nỗi bi ai đối với ngành này", đạo diễn giấu tên chia sẻ trên QQ.
Diễn viên không học thuộc thoại
Theo tiết lộ của MC Kim Tinh, có nữ diễn viên thay vì nói theo kịch bản, trước ống kính, cô chỉ đọc "một, hai, ba, bốn...". Người lồng tiếng sẽ giúp cô phần còn lại. Nhà biên kịch Tống Phương Kim cho biết không phải các diễn viên không thể nhớ thoại mà là họ không có thời gian học thuộc, nghiên cứu kịch bản.
Trong quá trình thẩm duyệt, nhiều tác phẩm bị yêu cầu sửa chữa nội dung, thoại. Việc sử dụng diễn viên lồng tiếng là phương pháp tối ưu nhằm đảm bảo tiến độ ra mắt một tác phẩm. "Diễn viên có lịch trình kín mít, không phải lúc nào gọi tới là tới quay lại, lồng tiếng lại được. Đài truyền hình chờ phát phim, các thành viên của đoàn chờ nhận tiền... Chúng tôi không thể chỉ vì chờ diễn viên đến lồng tiếng mà làm lỡ tiến độ của mọi người", một nhà sản xuất giải thích lý do thường thuê người lồng tiếng thay diễn viên.
* Hậu trường "Anh hùng xạ điêu" 2017
Tuy nhiên, cũng có những nghệ sĩ kiên quyết lồng tiếng cho vai diễn của mình. Khi quay xong Thần điêu đại hiệp, Trần Hiểu dành 15 ngày lồng tiếng cho vai Dương Quá.
Trong bối cảnh phim lạm dụng người đóng thế, lạm dụng kỹ xảo, cũng có những tác phẩm thể hiện sự kỳ công của đoàn phim, Anh hùng xạ điêu 2017 là tác phẩm tiêu biểu. Để có các cảnh quay chân thật và hoành tráng, đoàn phim di chuyển tới nhiều địa danh ở Trung Quốc ghi hình.
Theo QQ, việc lạm dụng đóng thế, lồng tiếng và lạm dụng kỹ xảo phản ánh sự xô bồ của làng phim truyền hình Trung Quốc. Con mắt đánh giá của khán giả cùng sự nghiêm túc của các đơn vị phát sóng phim sẽ giúp gạn đục khơi trong, loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, dùng tiểu xảo qua mắt khán giả.