From: Nguyen Quoc Dinh
To: webmaster@vnexpress.net
Sent: Monday, March 27, 2000 6:22 PM
Thân gửi ban biên tập VnExpress,
Tôi là một “người hâm mộ” của quý báo và cũng là “người hâm mộ” các vấn đề bức xúc liên quan đến giáo dục mà các bạn đang trao đổi trên diễn đàn này. Cám ơn quý báo đã tạo ra một “sân chơi” thực sự bổ ích cho mọi người.
Cũng như những người hâm mộ bóng đá, nhiều người trong số chúng ta đều biết nền giáo dục của chúng ta còn quá nhiều bất cập, vẫn còn những “lỗi thô bạo” như vụ ĐHDL Đông Đô, hoặc “lỗi dàn xếp tỷ số” như vụ Đại học Châu Á mà VnExpress đã đưa. Nêu ra các tồn tại thì dễ, nhưng để có được một chiến lược phát triển giáo dục lâu dài và đúng đắn cần có rất nhiều tâm huyết của rất nhiều người, các cấp, các ngành.
Trong bài viết này tôi muốn trao đổi với bạn Vũ Minh Chiêu về những vấn đề mà bạn nêu ra trong bài “Kinh nghiệm của Hà Lan để giúp thế hệ trẻ giỏi tiếng Anh” và nêu ra một số vấn đề về giáo dục cùng các bạn trao đổi.
Tôi đồng ý với ý kiến của bạn là trình độ ngoại ngữ của người Việt Nam, nhất là sinh viên ta còn kém và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng làm việc, tiếp thu, trao đổi kiến thức với người nước ngoài.
Nhưng việc áp dụng kinh nghiệm của Hà Lan vào nước ta như bạn đề nghị thì còn nhiều vấn đề phải bàn cãi.
Thứ nhất về mặt xã hội, kinh nghiệm đó áp dụng ở Việt Nam là không thực tế và không tưởng. Cũng như các nước khác trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, Việt Nam có nhu cầu bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của mình. Không phải ngẫu nhiên mà tuyệt đại đa số các nước châu Âu không áp dụng phương pháp này như bạn đã nêu (Có bạn nào ở Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc xin cho biết thêm về truyền hình ở các nước này). Còn ở Hà Lan, Bỉ và Thụy Điển có những nguyên nhân về lịch sử, địa lý, kinh tế rất đặc biệt, hơn nữa trình độ dân trí ở đây cũng rất cao. Tôi tin rằng các nước này đã có tỷ lệ dân số nói tiếng Anh khá cao trước khi cho phát phim không lồng tiếng trên truyền hình. Tương tự như ở Việt Nam, nếu bạn có dịp lên Lạng Sơn hay Quảng Ninh thì bạn sẽ thấy về mặt nào đấy thì Đài truyền hình Trung Quốc đã làm được việc này, góp phần nâng cao trình độ tiếng Quảng Đông cho đồng bào biên giới. Bà con có thể xem phim Trung Quốc mà chẳng cần biết đọc và viết tiếng Trung Quốc đâu nhé.
Truyền hình dù dưới góc độ một công cụ đưa thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức hay kinh doanh quảng cáo đều phải nhắm tới đa số quần chúng, những người tiêu thụ sản phẩm của mình. Về việc dạy ngoại ngữ trên truyền hình và đài phát thanh, chúng ta đã dành đủ thời lượng, cũng như các môn ngoại ngữ khác nhau cho những người có nhu cầu. Theo tôi, ngoại ngữ trước tiên là một công cụ để làm việc (và để sống nếu ở nước ngoài). Tôi biết nhiều người, trong đó có tôi, vốn tiếng Nga học 8 năm không dùng đến cũng rơi rụng hết. Chỉ có khoảng 5% dân số nước ta làm công việc đòi hỏi đến các ngoại ngữ khác nhau, trong số này 4% đã tự trang bị đủ trình độ để làm việc. Chỉ có khoảng 1%, đa số là sinh viên có nhu cầu cấp bách nâng cao kiến thức ngoại ngữ nói chung, trong số đó đa phần sinh viên nội trú không có máy thu hình để xem.
Có may mắn hay được đi công tác các vùng sâu, miền núi hẻo lánh, thấy được nhu cầu của bà con được xem các chương trình truyền hình, nhất là phim truyện như là một món ăn tinh thần hàng ngày. Vì vậy việc đáp ứng nhu cầu của 1% dân số mà tước đi nhu cầu của 95% kia là không công bằng (tất cả các con số đều mang tính ước đoán).
Hơn nữa, trong thế kỷ 20, đã bao nhiêu lần chúng ta phải thay đổi ngoại ngữ, từ tiếng Pháp, Nga, rồi Anh. Trong tương lai gần, khi mà kim ngạch mậu dịch và giao lưu văn hóa với Trung Quốc chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, liệu chúng ta có cần chiếu phim Trung Quốc trên truyền hình không cần phiên dịch? (Tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ của tương lai theo tiên đoán của một số nhà tương lai học).
Thứ hai, về mặt dạy và học ngoại ngữ. Chúng ta đều biết, học ngoại ngữ đòi hỏi phát triển cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết, trong đó 2 kỹ năng sau là khó học hơn. Bằng chứng là đứa trẻ 3 tuổi đã biết nói và hiểu được khá nhiều, nhưng cần nhiều hơn chừng ấy năm để có thể học đọc và viết. Ngay cả việc rèn luyện kỹ năng nghe, việc xem phim bằng tiếng nước ngoài cũng không giúp ích nhiều bằng xem các chương trình thời sự, phỏng vấn và nhất là băng hình dùng cho mục đích học tiếng. Trong phim, ngoài ngôn ngữ điện ảnh ra, lời thoại còn rất ít, khó nghe, nhiều tiếng lóng, tình huống không đặc trưng. Thú thật, tôi cũng hay xem, nhưng đoạn nào không cần lời thoại thì hiểu hết, đoạn nào có đối thoại thì chỉ nghe được cùng lắm là 50%.
Theo tôi việc học ngoại ngữ ngoài thầy tốt, phương tiện tốt ra, thì môi trường để giao tiếp là tối quan trọng. Sẽ không ngạc nhiên nếu một cậu bé bán đồ lưu niệm ở hồ Hoàn Kiếm nói tiếng Anh tự tin và lưu loát hơn các học viên theo học các lớp ngoại ngữ buổi tối mà không có môi trường để rèn luyện thêm. Khi nhu cầu cấp thiết đòi hỏi, tôi tin rằng bất cứ ai cũng có thể học được ngoại ngữ trong vòng 1 năm đủ để làm việc. Trong lúc không phải ai cũng có môi trường giao tiếp hàng ngày, các bạn có thể chủ động tự trau dồi ngoại ngữ bằng cách đọc sách chuyên môn, báo chí, nghe băng đài, dự các hội chợ, triển lãm quốc tế, mua VCD về xem, giao lưu, kết bạn với người nước ngoài. Nếu bạn không thể chủ động, thì đó cũng không phải lỗi của các bạn, đó chính là khiếm khuyết của nền giáo dục nước nhà.
Nhà nước có thể áp dụng chính sách như TP HCM đang làm, cho sinh viên vay tiền đi du học. Các trường ĐH có thể trao đổi sinh viên với các nước, đặt điều kiện ngoại ngữ như môn thi quốc gia khi tốt nghiệp như trước đây (và như Trung Quốc đang làm). Các hãng truyền hình cáp, và truyền hình viba giảm cước phí cho những người có nhu cầu có thể xem được các chương trình truyền hình bằng tiếng nước ngoài.
Và cuối cùng, ngoại ngữ cũng như tin học không phải là phương tiện để cho ngành giáo dục cũng như nền kinh tế nói chung cất cánh. Nếu như vậy thì Philippines, Ấn Độ và một số nước ở châu Phi đã văn minh và giàu hơn Nhật.
Vấn đề tôi muốn đặt ra để các bạn cùng trao đổi là:
1. Mục tiêu cuối cùng của ngành giáo dục là đào tạo một con người toàn diện có khả năng làm việc và hưởng thụ cuộc sống cả vật chất và tinh thần hay chỉ đào tạo những người biết làm việc. Theo mục tiêu thứ nhất thì chúng ta phải đặt mục giáo dục đạo đức, thể chất, thẩm mỹ, pháp luật và sức khỏe lên ngang với giáo dục văn hóa (trong đó ngoại ngữ, tin học cũng quan trọng như bất cứ môn khoa học tự nhiên và xã hội nào khác)
2. Làm thế nào và bao giờ thì chúng ta có một phương pháp giáo dục tiên tiến và chủ động, lấy học sinh làm trung tâm, thay cho phương pháp lạc hậu và bị động lấy giáo viên làm trung tâm như hiện nay ở tất cả các cấp.
Rất mong BBT VnExpress mời những nhà quản lý và nghiên cứu giáo dục có tâm huyết cùng trao đổi trên diễn đàn này để mọi người cùng có thể học hỏi. Dù sao chúng ta cũng chỉ là những kẻ ngoại đạo, chỉ có nhiệt tình thôi thì cũng dễ phá hoại lắm.
DQN