Từ thiện vốn là một hình thức truyền thông xã hội nguyên bản, phản ánh cách cộng đồng phản ứng trước những tổn thương bằng lòng trắc ẩn và hành động sẻ chia. Không ít chiến dịch lan tỏa chỉ nhờ một gương mặt đại diện, một câu chuyện lay động hay một hình ảnh chạm đến cảm xúc... đánh thức bản năng vị tha và kích hoạt niềm tin trong cộng đồng dành cho "người đứng ra".
Nhưng khi niềm tin ấy được gửi gắm quá nhiều vào cá nhân mà thiếu đi công cụ xác thực hay cơ chế giám sát, từ thiện bắt đầu trượt khỏi vùng an toàn. Một bảng sao kê mơ hồ, một khoản chi không rõ ràng hay những lời giải thích thiếu thuyết phục... bất cứ chi tiết nào như vậy cũng có thể gây đổ vỡ hình ảnh của "người đứng ra", ảnh hưởng đến thành quả cả chiến dịch, làm sụp đổ niềm tin trong cộng đồng. Từ gửi trao lòng tin, người ủng hộ bỗng trở thành kẻ đánh cược vào một "người kể chuyện".
Năm vừa rồi, tôi hỗ trợ marketing cho một chiến dịch từ thiện gây quỹ cộng đồng trên blockchain (công nghệ chuỗi khối), và xây dựng giải pháp ứng dụng blockchain để quản lý, truy vết dấu chân carbon về sản phẩm nông nghiệp.
Những trải nghiệm này giúp tôi nắm bắt được các hạn chế của từ thiện truyền thống, và nhìn rõ blockchain không chỉ là công nghệ xử lý dữ liệu, mà có thể trở thành công cụ phục hồi niềm tin. Với từ thiện, blockchain giúp ghi nhận mọi giao dịch một cách tự động, công khai và không thể chỉnh sửa. Người đóng góp có thể theo dõi dòng tiền mình gửi đi theo thời gian thực, thay vì phụ thuộc vào các lời cam kết hay hứa hẹn sao kê.
Mọi giao dịch hoặc mã xác thực dữ liệu đều được lưu trữ liên tục trên blockchain, không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào: không có "vùng mờ", không thể từ chối sao kê, cũng không có "quyền lực mềm" nào có thể điều chỉnh số liệu hay hạn chế thông tin. Bất kỳ ai (nếu được hướng dẫn kỹ thuật): công chúng, nhà hảo tâm, đơn vị kiểm toán hay người thụ hưởng đều có thể truy soát, đối chiếu, và xác thực giao dịch một cách độc lập.
Quan trọng hơn, quy trình này không thể bị đảo ngược, chèn thêm, xóa bớt hay làm giả. Mỗi giao dịch trở thành một phần của lịch sử liền mạch, trở thành bằng chứng số trên chuỗi khối. Điều này không chỉ thay đổi cách minh bạch hóa dòng tiền, mà còn mở ra một cách kể chuyện mới: kể chuyện bằng dữ liệu.
Trên thực tế, vào tháng 9/2024, sàn giao dịch Binance đã "airdrop" một triệu USD hỗ trợ từ thiện cho người dùng khu vực chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi tại Việt Nam. Mỗi người dùng nhận được khoảng 1,3 triệu đồng (50 USD) thông qua hình thức phân phối trực tiếp, dựa trên bằng chứng xác minh dữ liệu vị trí ví người dùng tại các khu vực bị ảnh hưởng, là 25 tỉnh thành miền Bắc.
Điều này là minh chứng rõ ràng cho: khi hạ tầng dữ liệu đủ tin cậy, và công nghệ được ứng dụng đúng cách, hoạt động hỗ trợ có thể được triển khai nhanh chóng, chính xác và hoàn toàn minh bạch.
Nhiều quốc gia đã ứng dụng blockchain vào quản lý nhà nước và dịch vụ cộng đồng, như: Hàn Quốc dùng để xác minh tiêm chủng; Trung Quốc áp dụng vào cấp phép và quản lý dữ liệu; Mỹ thử nghiệm cho bỏ phiếu bầu cử, còn Dubai đã số hóa nhiều dịch vụ hành chính trên chuỗi.
Tuy vậy, tại Việt Nam, việc áp dụng blockchain vào đời sống hiện nay vẫn còn không ít thách thức, từ: hạ tầng công nghệ, kinh nghiệm vận hành đến tư duy quản trị. Để blockchain thực sự trở thành nền tảng phục vụ xã hội, cần có sự dẫn dắt từ phía Nhà nước trong vai trò kiến tạo và điều phối.
Việt Nam hiện giữ vị trí top 2 thế giới về tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa (crypto), một tiềm lực đáng kể nếu được định hướng đúng. Với khung pháp lý phù hợp, blockchain có thể là nền tảng cho những mô hình từ thiện minh bạch đầu tiên tại Việt Nam.
Tất nhiên, công nghệ chỉ là công cụ. Điều quyết định vẫn nằm ở cách con người thiết kế và vận hành hệ thống. Các tổ chức địa phương, tổ chức xã hội, hoặc cá nhân có đủ năng lực và uy tín vẫn có thể giữ vai trò triển khai thực tế. Đồng thời, với vai trò mắt xích của đơn vị đầu cuối, những trường hợp không biết gì về blockchain vẫn có thể nhận được hỗ trợ thông qua quy trình: Công khai ví nhận tài trợ từ đầu chiến dịch, toàn bộ dòng tiền đều có thể giám sát; Xác minh danh sách người nhận, dựa trên tiêu chí rõ ràng tại địa phương; Thực hiện giải ngân sau khi danh sách đã được xác minh; Giải ngân "on-chain" (trực tiếp trên blockchain) bằng tài sản số (nếu khung pháp lý đã hoàn thiện), hoặc quy đổi sang tiền pháp định thông qua kênh trung gian; Người dân có thể nhận tiền pháp định sau khi xác minh danh tính qua CCCD.
Danh sách này từ lưu trữ "off-chain" sẽ được "niêm phong" bằng một mã "hash" xác thực ghi trên blockchain, đảm bảo không thể chỉnh sửa mà không để lại dấu vết. Quan trọng hơn, dữ liệu danh tính vẫn thuộc quyền kiểm soát và mã hóa của tổ chức triển khai hoặc chính quyền địa phương. Blockchain có vai trò xác thực công khai, giúp kiểm tra tính nguyên vẹn và củng cố niềm tin bằng một hạ tầng không thể bị can thiệp.
Đối chiếu với bài toán niềm tin của phương pháp tổ chức từ thiện truyền thống, blockchain không chỉ giải quyết vấn đề minh bạch hóa dòng tiền, mà còn phù hợp với các định hướng lớn của nhà nước, như: Chiến lược quốc gia về blockchain đến năm 2025 - tầm nhìn 2030; Nghị quyết 57-NQ/TW xác định ba trụ cột phát triển: Khoa học - công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số.
Cùng với chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm trung gian, blockchain được xem là một nền tảng tiềm năng trong cải cách quản lý. Ở cấp độ pháp lý, nhà nước đang xây dựng khung quản lý cho tài sản mã hóa, bao gồm kế hoạch thí điểm sàn giao dịch crypto, đề xuất đánh thuế giao dịch và bước đầu đưa khái niệm "tài sản số" vào dự thảo luật mới.
Trước thực trạng niềm tin dành cho từ thiện ngày càng nhạy cảm, xã hội vừa muốn duy trì những giá trị sẻ chia, vừa có quyền đòi hỏi một nền tảng đủ minh bạch để bảo vệ sự tử tế khỏi những hoài nghi. Công cụ blockchain không thay thế niềm tin, nhưng có thể là nơi niềm tin được ghi lại, bảo vệ và kiểm chứng một cách rõ ràng.
Không chỉ với từ thiện mà theo định hướng chuyển đổi số quốc gia, nếu vận hành hiệu quả, blockchain có thể trở thành hạ tầng hỗ trợ quản trị minh bạch trong nhiều lĩnh vực công: từ học bổng, trợ cấp xã hội, hồ sơ y tế, đến truy xuất nông sản, dữ liệu môi trường hay ngân sách cộng đồng.
Trương Đức Phương