Sáng 18/6, góp ý cho dự luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), các đại biểu nhìn nhận lãng phí hiện diễn ra phổ biến, dường như chỗ nào cũng có. Nói như đại biểu Trịnh Ngọc Thạch thì "ở ta lãng phí thoải mái, lãng phí rất dễ, không ngăn ngừa được", trái ngược với nước ngoài "có muốn lãng phí cũng không được".
Khâu gây lãng phí nhiều nhất, là khởi nguồn của nhiều thứ lãng phí, đó là quy hoạch. Theo đại biểu Ngô Thị Minh, chính việc quy hoạch thiếu tầm nhìn, để những kẻ cơ hội, lợi ích nhóm thao túng, dẫn đến hậu quả nặng nề là hàng loạt dự án bất động sản, nhà máy, bến cảng, trường học đang phát triển theo phong trào, quy mô không gắn với chất lượng, không cân đối cung cầu xã hội, gây lãng phí rất lớn.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Văn Tân cho rằng công tác quy hoạch, kế hoạch về kinh tế - xã hội, về các ngành, lĩnh vực nếu làm không tốt sẽ gây ra lãng phí rất lớn cho nguồn lực xã hội. Ông Tân đơn cử việc quy hoạch đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư như hiện nay gần như không có sự kiểm soát trong phạm vi quốc gia gây ra lãng phí đất đai, tiền vốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.
"Quy hoạch cảng biển, sân bay hiện rất lãng phí. Hai sân bay quốc tế cách nhau khoảng 100 km nếu đi đường bộ hết khoảng 1 giờ; hay là 2 sân bay nội địa cách nhau khoảng 40 km; hay một nơi cách Hà Nội đi đường bộ, đường cao tốc khoảng 3 giờ, nhưng vẫn quy hoạch một sân bay, một tuần chỉ có mấy chuyến bay", ông Tân dẫn chứng thêm.
Đại biểu Ngô Thị Minh phát biểu tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: TTXVN. |
Khẳng định hiện trạng lãng phí ở Việt Nam thực ra không kém gì tham nhũng, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ dẫn ví dụ điển hình là lễ khởi công các công trình được làm "linh đình quá, tốn kém quá, lễ hội nhiều quá" và gần đây lại thêm hội chứng Festival rất tốn kém. "Có những hội nghị Chính phủ triệu tập mỗi tỉnh trên dưới 5 chức danh tập trung họp 1 ngày, thậm chí họp có một buổi, trong khi mạng lưới trực tuyến đã có. Tiết kiệm được vấn đề này thì sẽ xây được bao nhiêu nhà tình nghĩa cho người nghèo", ông Kỷ phát biểu.
Bên cạnh việc lãng phí tiền bạc, tài nguyên, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra tình trạng lãng phí thời gian. Ông Thân Đức Nam dẫn ví dụ, trong xây dựng cơ bản nhiều công trình có thể thi công ba ca để rút ngắn thời gian, mang lại hiệu quả, nhưng trong quy chế đấu thầu không xem là điều kiện quan trọng, do quá chú trọng đến yếu tố giá cả nên xảy ra tình trạng bỏ thầu thấp để được dự án, sau đó kéo dài thi công, xin điều chỉnh mức kinh phí.
Đề cập tới các giải pháp để khắc phục quốc nạn lãng phí, nhiều đại biểu cho rằng phải quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra lãng phí. Khẳng định thị trường bất động sản ảm đạm với những khu đô thị bỏ hoang, gây lãng phí đất, tiền bạc, đại biểu Cao Thị Xuân chỉ ra nguyên nhân là người quyết định quy hoạch, quyết định đầu tư sai trái và không ít trường hợp đằng sau đó là động cơ vụ lợi.
"Nhưng luật pháp hiện hành chưa bóc tách được và chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của cá nhân gây ra lãng phí. Thực chất ý chí cả cá nhân ai đó chính là người quyết định nhưng khi hậu quả xảy ra được núp bóng an toàn trong các chủ trương của tập thể hoặc vô can", bà Xuân phân tích và kiến nghị dự luật phải sửa đổi theo hướng quy rõ các hình thức xử lý hành chính, hình sự nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí, thất thoát.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch góp ý cần đưa ra những chế tài, điều luật để hạn chế đến mức tối đa việc lãng phí và có cơ chế phòng, chống tình trạng này. "Chống lãng phí của ta trong luật nêu phần lớn là khuyến khích, cổ vũ còn chưa xử phạt ai, chưa bắt ai, chưa truy tố ai lãng phí bao giờ, chỉ có nhắc nhở nên tôi nghĩ chưa được", ông Thạch nói.
Dự luật thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí (sửa đổi) sẽ được tiếp tục chỉnh lý, dự kiến thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Hồng Khánh