Cùng bị truy tố tội danh trên, Trần Kim Long (nguyên chủ tịch UBND quận Gò Vấp) còn phải chịu trách nhiệm thêm hành vi đưa hối lộ. 5 bị can còn lại gồm: Dương Công Hiệp (nguyên phó phòng quản lý đô thị quận Gò Vấp) Lê Minh Châu, Hồ Tùng Lâm (giám đốc và phó giám đốc công ty địa ốc Gò Môn), Phạm Thị Tuyết Lan (cò đất), Nguyễn Minh Hoàng (buôn bán) về các tội tham ô, đưa hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cáo trạng của VKSND thành phố xác định, năm 2000, trùm cò đất Phạm Thị Tuyết Lan cấu kết với Dương Công Hiệp, Lê Minh Châu, Hồ Tùng Lâm và Trần Kim Long dùng thủ đoạn ký hợp đồng sang nhượng đất trái pháp luật của một số hộ dân ở phường 12 quận Gò Vấp để rút số tiền hơn 16,6 tỷ đồng của công ty xây dựng Gò Vấp (nay là công ty địa ốc Gò Môn) chia nhau. Trong đó Hiệp hưởng lợi trên 3,1 tỷ, Long được 540 triệu đồng, đó là chưa kể khoản 3.000 USD mà Châu khai đã đem biếu ông chủ tịch quận trong dịp tết âm lịch năm 2001.
Năm 2001, cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, điều tra về những sai phạm của Công ty Xây dựng Gò Vấp trong việc chuyển nhượng đất trái pháp luật với Phạm Thị Tuyết Lan. Nhận thấy hành vi phạm pháp có nguy cơ bị phát hiện, Long đã chủ động câu kết với Châu, Lâm móc nối với Nguyễn Minh Hoàng (một đối tượng buôn bán ngoài xã hội) để tìm cách đưa tiền cho những người có chức, quyền giải quyết những sai phạm trên để "chạy án". Hoàng nhận số tiền 30 nghìn USD và 20 triệu đồng để "chạy" dù không quen biết ai.
Cũng trong thời gian này, bí thư quận ủy kiêm Chủ tịch hội đồng nhân dân quận Gò Vấp, phụ trách khối nội chính lúc đó là Nguyễn Văn Tính đã giao cho ông Trần Văn Tư (lúc đó là Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp) xác minh đơn tố cáo của người dân về những tiêu cực trên. Nhưng sau khi VKS có báo cáo xác minh xác định đơn thư tố cáo là đúng, các đối tượng Lan, Hiệp, Long, Châu, Lâm câu kết với nhau chiếm đoạt hàng chủ tỷ đồng của nhà nước thì Nguyễn Văn Tính sử dụng báo cáo này để đòi Châu phải chi số tiền 800 triệu đồng, đổi lại Tính ém nhẹm chuyện tiêu cực nói trên. Ngoài ra, theo lời khai của bị can Châu, trong dịp gần tết âm lịch năm 2001, Châu có đưa thêm cho Tính 5.000 USD nhưng Tính không thừa nhận. Phạm Thị Tuyết Lan cũng khai đã đến nhà riêng của ông Tính để "biếu" thêm 10.000 USD nhưng ông Tính từ chối.
Liên quan đến vụ án này, VKS cũng xác định, ông Trần Văn Tư, khi thực hiện chỉ đạo của ông Tính trong xác minh vụ việc, đã biết có tiêu cực khiến nhà nước bị thiệt hại hàng chục tỷ nhưng chỉ báo cáo với ông Tính để ông này lợi dụng trục lợi là chưa hết trách nhiệm. Tuy nhiên, xét ông Tư không biết, không có dấu hiệu tư lợi và chỉ làm theo chỉ đạo nên không cần thiết phải xử lý hình sự mà chỉ xem xét kỷ luật hành chính.
Đối với một số cá nhân nguyên là lãnh đạo, cán bộ thuộc UBND phường 12 quận Gò Vấp như Chủ tịch UBND phường Hứa Ngọc Châu, cán bộ địa chính Trần Văn Nhịn đã có hành vi đề xuất và ký xác nhận các văn bản, hồ sơ giúp cho Phạm Thị Tuyết Lan và đồng phạm hợp thức hóa việc sang nhượng trái pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan công tố cho rằng, những cá nhân này không có động cơ vụ lợi nên chỉ xử lý kỷ luật nội bộ.
Dự kiến đầu tháng 2, TAND TP HCM sẽ đưa vụ án này ra xét xử.
N. Hải