Một nhóm nhà khoa học tham gia chuyến thám hiểm khảo sát tàu Titanic năm 2022 do công ty khám phá đại dương OceanGate Expeditions và tổ chức di truyền học môi trường eDNAtec sẽ thu thập mẫu nước quanh xác tàu đắm năm 1912 và nghiên cứu ADN để hiểu rõ hơn những tổ chức vi sinh vật trú ngụ ở đó.
Tàu Titanic ra khơi từ Southampton, Anh, vào ngày 10/4/1912 và khởi hành tới New York. Hôm 14/4, tàu đâm vào một núi băng trôi cách Newfoundland gần 643 km. Trên tàu chỉ có 20 thuyền cứu sinh với sức chứa 1.178 người, bằng khoảng một nửa số hành khách có mặt. Vào ngày 15/4, tàu Titanic chìm xuống biển, khiến 1.500 người trong 2.224 hành khách thiệt mạng. Xác tàu nằm ở độ sâu 3.962 m bên dưới bề mặt Đại Tây Dương. Con tàu được tái phát hiện vào tháng 9/1985. Kể từ sau đó, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực tìm cách bảo quản và nghiên cứu tàn tích của con tàu dài 268 m.
Những nghiên cứu trước đây về tàu Titanic cho thấy có nhiều sinh vật và hoạt động ở đáy biển hơn dự kiến. Xác tàu trở thành hệ sinh thái riêng, đóng vai trò như một rạn đá cho vô số tổ chức sinh vật. Nhiều loài thực vật và động vật cần bề mặt để bám vào đã gắn liền với con tàu đắm.
Giờ đây, tàu Titanic được bao phủ bởi nhũ rusticle, những quần thể vi khuẩn chậm rãi ăn dần mảnh vỡ của con tàu. Từ khi xác tàu được tái phát hiện, phần cột buồm đã gãy và chòi quan sát trên cột buồm đã biến mất. Các nhà khoa học cho rằng phần lớn xác tàu sẽ bị xói mòn hoàn toàn vào năm 2030, có nghĩa thời gian để ghi chép về hệ sinh thái trên tàu sắp cạn dần. Nỗ lực bảo tồn xác tàu đang diễn ra. Năm 2012, UNESCO công nhận xác tàu là di sản cần bảo vệ.
OceanGate Expeditions tiến hành khám phá xác tàu Titanic hàng năm nhằm thúc đẩy nghiên cứu hệ sinh thái trước khi nó trở nên không thể nhận dạng. Chuyến thám hiểm khảo sát tàu Titanic năm nay sẽ bao gồm 5 đợt lặn tới chỗ xác tàu trong vòng 8 ngày. Theo Mehrdad Hajibabaei, chuyên gia di truyền đa dạng sinh học kiêm nhà sáng lập eDNAtec, đây là một trong những nghiên cứu sâu và tham vọng nhất mà họ từng tiến hành. Ông cho biết các nhà sinh vật học hải dương sẽ nghiên cứu nước xung quanh tàu và sử dụng phương pháp giải trình tự ADN tiên tiến. Điều này sẽ cho phép nhà khoa học hiểu rõ hệ sinh thái sống quanh xác tàu.
Mục tiêu cơ bản của chuyến thám hiểm là xuất bản những phát hiện quan trọng nhất để các nhà khoa học có thể so sánh kết quả nghiên cứu trong tương lai. "Mẫu nước lấy và phân tích bằng công nghệ di truyền tiên tiến sẽ không chỉ giúp chúng tôi nhận dạng sinh vật quan sát trực tiếp từ tàu ngầm Titan mà còn hé lộ dạng sống mà chúng tôi không thể nhìn thấy, bao gồm cả vi sinh vật và động vật lớn để lại dấu vết ADN trong nước xung quanh tàu Titanic. Nghiên cứu sẽ đóng góp vào bảo tồn hệ sinh thái ở xác tàu.
An Khang (Theo Newsweek)