Buổi sáng đầu tuần, những bác sĩ pháp y của Đội Giám định Pháp y - Sinh học, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội rất tất bật. Nghề bác sĩ pháp y không chỉ vất vả mà còn đòi hỏi kiên trì với từng chi tiết trên người nạn nhân.
Trong những ngày rét mướt tê tái đầu năm nay, các giám định viên tiến hành khai quật tử thi để "rửa nỗi oan" cho một nạn nhân mà sau này mỗi khi nhắc tới, dư luận vẫn không khỏi xôn xao. Đó là bà Lê Thị Lan (51 tuổi, trú ở Đồng Sàng, Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chết cách đây hơn 2 năm. Do lúc chết gia đình nạn nhân chỉ nói chị bị cảm và qua đời. Nhưng sau này, cơ quan điều tra phát hiện trước lúc chị Lan chết, trong gia đình đã xảy ra xô xát.
Ngày 9/1, việc khai quật được tiến hành. Nhưng cái khó là nạn nhân đã chôn cất 2 năm, xác chết gần như phân hủy hết, nên rất khó để tìm chứng cứ. Dù thời điểm đó Hà Nội rét 10 độ C, Nguyễn Thanh Hải, Đội phó và hai trợ lý đã mày mò kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết trên xác nạn nhân. Sau nhiều giờ khám nghiệm, các anh đã phát hiện xương sọ của nạn nhân bị rạn vỡ, gãy rời hàm dưới bên trái - nguyên nhân dẫn đến việc bà Lan bị tử vong.
Ở mỗi vụ án, giám định viên đều không bỏ qua từng dấu vết nhỏ, để đánh giá đúng nguyên nhân gây nên cái chết cho nạn nhân. |
Ngay sau đó, hung thủ cũng chính là chồng của nạn nhân đã bị bắt. Sau 2 năm bà Lan bị giết hại, thủ phạm vẫn sống bình thản dưới ngôi nhà - hiện trường vụ án mạng.
Thủ phạm Quách Văn Phan khai nhận, do mâu thuẫn trong cuộc sống nên vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã, xô xát. Ngày 30/6/2011, ông Phan nóng giận đã đánh vợ. Bị đánh đau, bà Lan chống cự đã bị ông Phan cầm một thanh gỗ vụt liên tiếp vào vùng tai, gáy và gây ra cái chết thương tâm cho nạn nhân. Sau khi gây án, ông Phan lo sợ nên đã dựng hiện trường giả. Sau 2 năm chịu một cái chết oan ức, nỗi oan của người xấu số đã được giải tỏa.
"Nếu như không đánh giá đúng hiện trường, bỏ lọt các chi tiết thì sẽ vô tình bỏ sót tội phạm", Trung tá Nguyễn Thành Công, giám định viên cho biết.
Vụ giám định gần đây nhất mà anh tham gia là vào ngày 6/2. Lúc đó khoảng 24h, sau khi nhận được thông tin có một người chết ở khu công nghiệp vừa và nhỏ xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, anh Công đã có mặt tại hiện trường. Nạn nhân Nguyễn Xuân Việt, trú tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm nằm sõng soài trên nền đất, bên cạnh còn có một chiếc xe máy Lead, không biển kiểm soát. Anh này bị tử vong do vỡ xương sọ. Nhìn hiện trường thì cái chết của anh Việt giống như một vụ tai nạn giao thông.
Nhưng có một chi tiết mâu thuẫn là trong quá trình khám nghiệm, trên xe máy không có dấu vết va chạm, trầy xước. Nạn nhân có thương tích, bị xây xát, giập rách vùng chẩm trái. Kết luận của cơ quan khám nghiệm là chìa khóa quan trọng giúp cơ quan điều tra Công an huyện Từ Liêm làm rõ được vụ án và bắt thủ phạm là Nguyễn Văn Bình, trú tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An về hành vi giết người; Nguyễn Thị Thu Hương, trú tại xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội (bạn gái Bình) về hành vi không tố giác tội phạm.
Những xác chết không thể lên tiếng, có những cái chết phải chịu hàm oan nhiều năm, thủ phạm thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Nhiều khi vụ án kéo dài, thông tin mai một, thủ phạm che giấu tung tích, đòi hỏi các giám định viên phải dùng dấu vết pháp y để chứng minh. Cái chết của anh Mai Xuân Nghị, trú tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, thuê nhà trọ ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì vào ngày 22 Tết Quý Tỵ là một ví dụ.
Không ai biết anh Nghị chết vì sao, khi phát hiện ra xác đã trong thời kỳ phân hủy. Khám nghệm hiện trường, Đội Giám định phát hiện trên người anh Nghị có 2 vết đâm tại vùng cổ và ngực (trúng tim) và thu giữ một con dao nhọn dính máu nạn nhân tại đầu giường…
Với căn cứ xác định là trọng án, ngày 1 Tết Nguyên đán, cơ quan điều tra đã bắt được kẻ thủ ác là Bàn Phúc Trung, trú tại xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Tên Trung quen anh Nghị qua mạng. Ngày 20/1 đã đến nơi trọ của anh Nghị để bán dâm. Quá trình mua bán dâm, 2 bên xảy ra mâu thuẫn, Trung vớ được con dao nhọn để ở giá sách và đâm anh Nghị, sau đó cướp 2 điện thoại và một dây chuyền bạc rồi bỏ trốn.
Đặc thù của lực lượng pháp y Công an là liên quan đến vụ án, do vậy dù là nửa đêm gà gáy hay đang trong bữa cơm, giám định viên pháp y cũng phải lên đường bất kỳ lúc nào khi được trưng cầu. Trời rét mướt, mưa hay nắng, xác chết dù kinh hoàng đến đâu thì giám định viên pháp y cũng là người "xắn tay" vào việc đầu tiên.
"Không bỏ qua bất cứ dấu vết thương tích nguy hiểm nào của nạn nhân" là phương châm làm việc của những giám định viên pháp y Công an Hà Nội. Dù nạn nhân là ai, các anh cũng phải lần tìm từng tí một, kỹ càng từng cm, không để thiếu sót bất kỳ dấu vết gì. Chính vì điều này mà hầu hết các vụ việc cơ quan điều tra trưng cầu giám định viên đều đem lại hiệu quả, tìm ra được nguyên nhân gây tử vong cho nạn nhân, giúp cơ quan điều tra làm căn cứ để phá án.
"Nghề của mình là rửa nỗi oan khuất cho nạn nhân để họ ở nơi chín suối được an lòng, làm căn cứ để cơ quan điều tra tìm ra thủ phạm, xử lý trước pháp luật. Do vậy, cán bộ trong Đội không được phép để lọt tội phạm, đứng ngoài vòng pháp luật. Đây là tâm niệm của anh em để họ làm việc một cách thanh thản và thoải mái"- Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội chia sẻ.
Theo Công an nhân dân