Nữ sinh chạy đi thông báo với bố mẹ, cả nhà như "trút được gánh nặng ba tháng nay". Hồng Anh chia sẻ từ đầu năm lớp 9 đã nghiêm túc nghe giảng, ôn luyện các môn Lý, Sinh, Hóa, Sử, Địa, Giáo dục công dân để chuẩn bị cho môn thứ tư vào lớp 10 công lập ở Hà Nội - kỳ thi được xác định khó hơn cả thi đại học. Trong khoảng 100.000 học sinh lớp 9, Hà Nội chỉ tuyển hơn 66.000 vào trường công lập, còn lại học ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề.
Ở ba môn Sử, Địa, Giáo dục công dân, Hồng Anh trình bày bài giảng của giáo viên dưới dạng sơ đồ tư duy để học thuộc. Với Lý, Sinh, Hóa, em làm nhiều bài tập trong sách bài tập và phiếu ôn luyện. "Không giỏi sáu môn tự chọn nhưng với phương pháp học của mình, em tự tin dù thi môn nào cũng không quá lo lắng. Tuy nhiên, tất cả bị đảo lộn vì Covid-19", Hồng Anh nói.
Sau Tết Nguyên đán, Hồng Anh chỉ đi học hai ngày thì nghỉ vì Covid-19. Một tuần đầu ở nhà, em cho phép mình nghỉ ngơi nhưng đến tuần hai, tuần ba thì bắt đầu lo lắng không biết sẽ ôn tập thế nào cho kỳ thi vào lớp 10. "Các môn tự chọn em không học thêm, phụ thuộc vào bài giảng và phiếu ôn tập của thầy cô. Khi nghỉ học, em chỉ có thể học thuộc Sử, Địa, Giáo dục công dân nhưng sợ bị lan man, còn ba môn tự nhiên thì không có cách nào tự học", Hồng Anh nói.
Đến giữa tháng 2, trường THCS Nam Từ Liêm triển khai dạy trực tuyến cho học sinh các khối từ 7h30 đến 11h hàng ngày, chia thành hai ca. Dù các lớp học chuyển sang online, Hồng Anh nhận xét "không hiệu quả bằng học ở trường". Khi có vấn đề thắc mắc, em không dám hỏi giáo viên vì sợ "câu giờ" của lớp. Nhiều bài hình phải do thầy giáo dạy trực tiếp mới dễ hiểu còn nhìn qua Powerpoint hoặc phần mềm Zoom rất khó hình dung.
Với sức học khá, Hồng Anh dự định thi vào trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, năm 2019 lấy 45,5 điểm. Tuy nhiên, do chểnh mảng các môn tự chọn, em lo lắng thi nhận điểm kém, kéo tổng điểm xuống và không thể đỗ ngôi trường mơ ước. "Mấy tháng qua, cả nhà em như ngồi trên đống lửa vì không biết khi nào công bố môn thi thứ tư, là môn gì, có kịp ôn tập không? Bây giờ, em có thể yên tâm tập trung cho ba môn Toán, Văn, Anh rồi", Hồng Anh nói.
Học cùng lớp với Hồng Anh, Nguyễn Thùy Trang vui mừng khi thành phố bỏ môn thi thứ tư vào lớp 10. Khả năng ghi nhớ kém khiến Trang gặp khó khăn với môn Sử, Địa, Giáo dục công dân. Cũng không có thế mạnh ở Lý, Hóa, Sinh, Trang càng thêm áp lực khi nghĩ đến môn thi thứ tư. Sang học kỳ 2, Trang dự định khi nào thành phố công bố môn thi sẽ đăng ký học thêm để cải thiện nhưng vì dịch kế hoạch bị gác lại.
Năm ngoái, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố môn thi thứ tư vào đầu tháng 3 nên những ngày qua Trang thường xuyên xem báo, đài để cập nhật tình hình. Hàng ngày, em học online theo kế hoạch của trường vào buổi sáng nhưng thỉnh thoảng khu phố nhà em mất điện một tiếng, làm gián đoạn việc nghe giảng. Trang nhờ bạn quay video màn hình tiết học nhưng bị mất tiếng, ảnh chụp vở ghi của bạn em đọc cũng không hiểu.
Buổi tối, trong khoảng từ 19h đến 22h, Trang học thêm ba môn Toán, Văn, Anh nhưng wifi chập chờn. Có lúc dù ở trong lớp học, em không nghe được lời giảng của giáo viên. Khi khác, em bị thoát khỏi phần mềm Zoom, mất 15-20 phút để đăng nhập lại, bị lỡ kiến thức. Trang lo lắng sau thời gian nghỉ dịch, quay lại trường sẽ bị tụt lại so với các bạn, không thể thi đỗ trường THPT Xuân Đỉnh.
"Thành phố bỏ môn thi thứ tư, em chỉ còn tập trung cho Toán, Văn, Tiếng Anh. Em mong sớm được quay lại trường để thầy cô giảng lại kiến thức và ôn luyện cho kỳ thi sắp tới", Trang nói.
Với nguyện vọng thi vào lớp chuyên Toán trường THPT Chuyên Sư phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội), Lưu Quang Tuấn, lớp 9 trường THCS Nguyễn Tất Thành thở phào khi biết tin bỏ môn thi thứ tư. Trường học đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến, Tuấn học từ 8h sáng đến 4h chiều, theo thời khóa biểu bình thường. Sau đó, em học thêm hai tiếng rưỡi buổi tối ở bốn môn Toán thường, Toán chuyên, Ngữ văn và Tiếng Anh. Vì lịch học online dày đặc, bài tập tự luyện nhiều, sau khi kết thúc lớp học thêm lúc 22h, Tuấn tiếp tục học đến 1-2h sáng.
Ở môn Toán, nhiều bài tập Tuấn không hiểu nhưng vì thời gian dạy trực tuyến có hạn, em không hỏi thầy cô mà tự mày mò tìm hiểu. Nếu không được, em và 3 bạn nam khác trong lớp cùng thi chuyên sẽ gọi video call để làm bài. Với một bài toán khó, khi học trực tiếp, Tuấn chỉ cần 5-10 phút nhờ thầy giảng lại nhưng học trực tuyến em mất một tiếng thảo luận với bạn bè. Từ đầu tháng 2, nhóm đã nhắc nhở nhau phải phân bổ thời gian cho sáu môn tự chọn phòng trường hợp không đỗ chuyên, nhưng vẫn chưa bạn nào làm được vì mải ôn các môn chính.
Vì có thế mạnh các môn tự nhiên, Tuấn bảo thi Lý, Hóa, Sinh sẽ thấy tự tin hơn. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh, Tuấn nghĩ Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chọn môn dễ học thuộc và lấy điểm. Nếu vậy, sau khi thi chuyên hoặc một tháng trước kỳ thi vào lớp 10, Tuấn mới có thời gian cho việc ôn luyện môn thi thứ tư nhưng không dám chắc sẽ đạt điểm cao. "Em thi chuyên Toán nên khối lượng bài môn này rất nhiều, phải rút bớt thời gian học Văn, tiếng Anh và các môn tự chọn. Nếu Hà Nội không bỏ môn thi thứ tư, em không biết xoay sở thế nào", Tuấn nói.
Chiều 17/4, UBND Hà Nội thông báo học sinh lớp 9 trên địa bàn sẽ làm ba bài thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ để giành suất vào lớp 10 công lập. So với kế hoạch được UBND Hà Nội phê duyệt vào tháng 2 và so với năm ngoái, lịch thi mới muộn một tháng rưỡi và không có bài thi thứ tư được lựa chọn từ các bài: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Đến chiều 18/4, Việt Nam ghi nhận 268 người nhiễm Covid-19, trong đó 177 người đã khỏi. Hà Nội đông người nhiễm nhất, với 122, hiện 93 người đã khỏi.
Tú Anh