Australia, Mỹ, Anh hay Singapore nằm trong số các quốc gia có nhiều trường đại học lọt vào danh sách đào tạo y khoa tốt nhất thế giới. Các nước này cũng có quy trình tuyển sinh đầu vào ngành y khắc nghiệt bậc nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư Đại học New South Wales và Đại học Notre Dame Australia, các trường y khoa ở Australia có hai hệ thống đào tạo bác sĩ: cấp đại học (undergraduate) và sau đại học (post-graduate).
Ở cấp đại học, sinh viên trường y được tuyển từ những học sinh đã tốt nghiệp phổ thông (lớp 12). Cấp sau đại học tuyển từ những người đã tốt nghiệp cử nhân. Họ có thể là cử nhân về khoa học, văn chương, hay kỹ thuật, nhưng đa số là cử nhân y học (Bachelor of Medical Sciences).
Hai nhóm này đều phải qua kỳ thi UMAT (dành cho cấp đại học) hay GAMSAT (dành cho cấp sau đại học). UMAT (Undergraduate Medicine and health sciences Admission Test - Kỳ thi tuyển sinh vào các ngành Khoa học Sức khỏe và Y tế) bao gồm ba phần. Phần một là khả năng suy luận hợp lý và cách giải quyết vấn đề; phần hai là hiểu biết về con người và phần ba là suy luận trừu tượng. Đây là kiến thức và kỹ năng quan trọng cho việc nghiên cứu, thực hành y học sau này.
Trong khi đó, GAMSAT (Graduate Medical School Admissions Test - Bài kiểm tra tuyển sinh Sau đại học Y khoa) có một số câu hỏi về vật lý, sinh học và toán nhưng là những câu hỏi đơn giản. Sau khi thi, thí sinh phải qua một vòng phỏng vấn.
Mỗi năm, Australia có khoảng 10.000 người thi nhưng chỉ có 3.000 thí sinh được nhận. Những thí sinh chưa đỗ có thể đi đường vòng, bằng cách học những ngành gần với y khoa như y tá, dược, sinh hoá, vật lý trị liệu, rồi thi lại.
Chương trình đào tạo cấp đại học thường là sáu năm, chia thành ba giai đoạn, và sinh viên sẽ tốt nghiệp với hai bằng Cử nhân y khoa và Cử nhân phẫu thuật (MB -BS). Chương trình đào tạo cấp sau đại học kéo dài bốn năm, cấp bằng Tiến sĩ y khoa (MD).
Nhiều trường y ở Australia, như Đại học New South Wales, theo xu hướng đào tạo liên tục từ cử nhân lên tiến sĩ, và sinh viên tốt nghiệp sẽ có một bằng Cử nhân Y học (Bachelor of Medical Studies) và một bằng Tiến sĩ y khoa (Doctor of Medicine). Một số trường khác, như Đại học Notre Dame Australia, chỉ đào tạo sau đại học (tức MD) cho những người đã tốt nghiệp cử nhân.
Trước những tranh cãi về việc gần đây, một số trường tại Việt Nam tuyển sinh Y khoa không có môn Sinh học, giáo sư Tuấn so sánh, trong cả hai chương trình đào tạo ở Australia, môn Sinh học không quá quan trọng.
Mỹ đào tạo Y khoa từ sau đại học. Theo bác sĩ Christina Nguyễn (Nguyễn Ngọc Trang), ứng viên cần có bằng cử nhân trước khi muốn đăng ký vào Y khoa.
Christina hiện là bác sĩ gia đình cho CommonSpirit, một trong những tổ chức y tế phi lợi nhuận hàng đầu tại Mỹ, ở bang Nebraska. Nữ bác sĩ gốc Huế tốt nghiệp loại ưu Đại học Creighton, sau đó tiếp tục học y và đào tạo nội trú tại University of Nebraska Medical Center. Trước khi trở thành bác sĩ gia đình, cô từng trải qua hơn chục năm học tập.
Christina Nguyễn cho hay, ngoài bằng cử nhân, học bạ ứng viên cần có đầy đủ các pre-requisites (lớp học yêu cầu), gồm: một lớp khoa học hành vi (tâm lý học, xã hội học...); hai lớp sinh học; bốn lớp hóa học/hóa sinh; hai lớp vật lý; hai lớp toán và hai lớp viết.
Ngoài ra, thí sinh phải thi MCAT (bài kiểm tra chuẩn hóa nhằm đánh giá năng lực tư duy, giải quyết vấn đề), có thành tích nghiên cứu, công tác cộng đồng, hoạt động lãnh đạo, bài luận cá nhân, và thư giới thiệu để hoàn thành hồ sơ ứng tuyển.
Cách học Y tại Mỹ có phần khác ở Việt Nam vì thuộc hệ tiến sĩ sau đại học. Trường Y ở Mỹ chỉ gói gọn trong bốn năm nhưng bốn năm này đòi hỏi sinh viên học lượng kiến thức đồ sộ. Do đó, sinh viên cần có hiểu biết căn bản các môn hoá, sinh, hoá sinh, vật lý, toán, xã hội, và khả năng truyền đạt thông tin - từ bậc đại học - để bắt kịp giáo trình và áp dụng kiến thức vào việc khám chữa bệnh.
Bác sĩ Chritina cho rằng trong ngành Y, kiến thức sinh học là cần thiết để hiểu sâu về sinh lý học cơ thể người. "Nếu các trường Y tuyển sinh không yêu cầu môn sinh học, thì theo tôi, nên có một phương án để đảm bảo chất lượng đào tạo về môn học này trong trường Y", Christina nói.
Tại Singapore, ngành Y ở các trường công lập có điều kiện đầu vào gắt gao nhất trong các ngành. Các trường tư thục không đào tạo Y khoa, chỉ có một số cơ sở dạy về ngành khoa học, y sinh, quản trị dược phẩm. Ngành y ở đây học 5-6 năm.
Trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và trường Y Lee Kong Chian của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) là hai cơ sở công lập đào tạo bậc cử nhân nổi tiếng ở Singapore. Yêu cầu đầu vào bắt buộc của hai trường đều cần có một trong các chứng chỉ như: A level, IB, bằng tốt nghiệp trường trung học của NUS, bằng cao đẳng (tương đương dự bị đại học). Trong đó, các môn hóa, sinh và vật lý phải đạt điểm từ giỏi đến xuất sắc. Ngoài hai trường này, Y Duke-Nus là nơi duy nhất đào tạo sau đại học.
Mỗi năm có 2.000 ứng viên nộp vào trường Yong Loo Lin. Theo website của NUS, khoảng 1.200 thí sinh trong số này vào danh sách rút gọn (shortlist) để phỏng vấn và chọn ra 280 suất. Trong khi đó, một số lượng tương tự hồ sơ nộp vào trường Lee Kong Chian nhưng chỉ tuyển khoảng 160 chỉ tiêu mỗi năm. Bên cạnh kết quả học tập xuất sắc, hầu hết ứng viên cần có thành tích ngoại khóa ấn tượng và vượt qua các cuộc phỏng vấn.
Trường Yong Loo Lin có hai bài thi Đánh giá các kỹ năng tập trung (FSA) và Xử lý tình huống (SJT). Trong khi trường Lee Kong Chian yêu cầu bài thi BMAT (BioMedical Admissions Test), gồm ba phần: Năng khiếu và kỹ năng; kiến thức khoa học và ứng dụng; viết.
Tại Anh, gần như tất cả chương trình cấp bằng y khoa đều có bài thi đầu vào gồm UCAT (University Clinical Aptitude Test - Kỳ kiểm tra năng lực lâm sàng bậc đại học), BMAT và GAMSAT. Theo The Medical Schools Council, cơ quan đại diện cho các trường Y ở Anh, điểm các môn hóa, sinh hoặc vật lý, toán trong chứng chỉ IB, A level buộc phải cao nhất nếu muốn vào trường Y. Đó cũng là những yêu cầu bắt buộc của nhiều trường Y ở châu Âu.
Bình Minh