Sáng 17/7, trong khi 50 học sinh trường nội trú IVS tập võ Vovinam ngoài sân thì Minh đứng ngơ ngác. Khuôn mặt người đàn ông 32 tuổi ngây dại, đờ đẫn sau mái tóc dài qua mang tai.
Minh từng là học sinh giỏi và niềm tự hào của gia đình. Sau khi du học ngành dầu khí ở Nga về, anh chỉ đi làm một thời gian rồi nghỉ, tiếp đó thì chia tay người yêu. Buồn chán, Minh tìm vui trong game online rồi mê mệt trong thế giới ảo khoảng 22 giờ mỗi ngày.
"Vào đây tôi mới suy ngẫm lại quãng thời gian qua. Từ lâu tôi đã quên mất bản thân và gia đình. Bỏ việc, không màng đến tương lai và chỉ biết có game. Bốn năm liền tôi không ăn cơm với gia đình. Đến phút cuối, xin tiền đi chơi game không được, tôi đòi đốt nhà và đánh cả ba mẹ", Minh nói.
Ông Phạm Quang Long - Hiệu trưởng trường nội trú IVS cho biết - Minh là một trong hàng trăm học viên cá biệt mà ông từng gặp. "Cá biệt nghĩa là những cá tính đặc biệt. Học sinh nghiện game, hiếu động, nghịch ngợm, ham chơi, lười học, đánh nhau… chưa hẳn đã hư. Nguyên nhân chủ yếu là do các em chưa có môi trường và phương pháp giáo dục thích hợp", ông Long nói.
Như trường hợp của Danh, đã học lớp 10 nhưng kiến thức chỉ nằm ở lớp 6. Danh từng bị trường trung học ở quận Thủ Đức đuổi học vì trốn tiết đi chơi game. Gia đình gửi cậu vào một trường tư thục nhưng chỉ được vài tháng cậu tiếp tục bỏ học ra tiệm Internet. Bất lực, gia đình đưa cậu vào trường IVS. "Không được chơi game, em thấy trong người cứ buồn buồn, bứt rứt và khó chịu lắm", Danh nói.
Những ngày đầu ở trường nội trú IVS, Danh lầm lì, không nói chuyện với ai. Lúc nào cậu cũng trong tư thế sẵn sàng bỏ trốn. Thầy cô khuyên lơn, động viên cậu cố gắng rèn luyện để làm gương cho em gái và chỗ dựa cho ba mẹ khi về già.
"Biết em thích đá bóng, các thầy cho em làm đội trưởng mỗi lần ra sân. Ngoài giờ học văn hóa, giáo viên còn kèm riêng các môn em còn yếu vào ban đêm. Hơn một tháng vào đây em thấy mình đỡ nhớ game, được dạy các kỹ năng sống, học cách yêu thương, trân trọng tình cảm gia đình. Em sẽ học trường này đến khi tốt nghiệp lớp 12", Danh cho biết.
Tương tự, Trọng - từng chơi game đến 15 tiếng một ngày trước khi vào học ở đây. Dù đã là học lớp 10 nhưng cậu có thân hình nhỏ choắt như học sinh lớp 5. Trọng nói, tuần đầu tiên rất khó chịu nhưng sau đó thì quen dần nề nếp sinh hoạt. Sau hai tháng Trọng tăng gần 6 kg.
Đến thăm con, mẹ Trọng rơi nước mắt khi thấy con có da có thịt và lễ phép hơn trước. Bà kể, hai vợ chồng ly dị khi con lên 9 tuổi. Bà buôn bán suốt ngày ngoài chợ nên Trọng đi học về là dính vào máy tính chơi game. "Giờ nó biết khuyên tui giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ và đừng thức quá khuya. Nó còn hứa sẽ cố gắng học tốt, thi đậu đại học để lo cho tui và bà nội có cuộc sống đàng hoàng", mẹ Trọng khoe.
Theo hiệu trưởng Phạm Quang Long, mỗi học sinh vào đây là một hoàn cảnh đặc biệt. Có những em là cao thủ game online, thường xuyên bỏ học, bỏ nhà theo bạn bè đua xe, đánh nhau và cũng có em suốt ngày đi thơ thẩn, không kiểm soát được bản thân. Vì vậy trường phải có phác đồ giáo dục riêng.
Những em thích làm thủ lĩnh, đánh nhau thì cho vào lớp học võ Vovinam. Học sinh nhuộm đầu xanh, đầu đỏ và thích làm nghệ sỹ thì xếp vào lớp học đàn, hát. Với những em bị nghiện game thì dễ hơn, chỉ cần đưa vào môi trường tách biệt là có thể thay đổi rõ rệt. "Mỗi học sinh một tính cách nên phải sâu sát, hiểu các em mới uốn nắn được. Thế nên giáo viên ở đây rất vất vả. Tuyển được người đã khó, giữ được họ càng khó hơn", ông Long nói.
Thầy Trần Quang Duy là giáo viên dạy Toán nhưng kiêm luôn quản nhiệm. Buổi tối, thầy ngủ cùng phòng với 6 học sinh khác. Nửa đêm, nhiều em nhớ nhà bật khóc nên thầy phải ngồi nghe tâm sự, khuyên răn các em.
"Một số em có vấn đề thần kinh, phải tập luyện nhẹ nhàng. Học sinh tăng động, cần hướng dẫn ngồi thiền, tập yoga. Trước khi tập thể thao, phải xoa bóp các cơ cho học sinh để quen dần với việc vận động", thầy Duy kể về công việc hằng ngày.
Trường IVS thuộc viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao nên môn võ Vovinam được chú trọng để rèn luyện tính cách, sức khỏe của học sinh. Mỗi em vào đóng khoảng 6 triệu một tháng. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trường giảm tới 70% học phí. Phần thưởng lớn nhất đối với giáo viên ở đây là những giọt nước mắt của phụ huynh đến thăm trường và thấy con trưởng thành từng ngày.
Ở phía Bắc, trường thành lập từ năm 2009, hiện có gần 300 học sinh theo học. Còn ở phía Nam, trường mới thành lập chi nhánh và giảng dạy được khoảng 3 tháng với 50 học sinh. "6 năm qua 100% học sinh của trường đều tốt nghiệp THPT và một nửa trong số đó trở thành sinh viên. Mùa hè, các em thường quay lại trường kể câu chuyện về bản thân mình, động viên các học sinh đang theo học", ông Long cho hay.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, IVS là trường đầu tiên ở TP HCM chuyên nhận những em nghiện game, học sinh cá biệt vào học. Mới thành lập được vài tháng nhưng trường đã mang lại những tín hiệu tích cực và nhân văn.
Nguyễn Duy