Ngày 5/9, trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS và THPT sẽ dự lễ khai giảng năm học 2020-2021. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định thời gian tổ chức không quá 45 phút. Các trường không tập trung học sinh luyện tập, không diễu hành, thả bóng bay hay tổ chức văn nghệ trong buổi lễ. Học sinh tham gia lễ khai giảng phải đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách.
Trước yêu cầu của thành phố, các trường tư phải thay đổi kế hoạch cho lễ khai giảng. Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm) cho hay lần đầu tiên nhà trường tổ chức lễ khai giảng trực tiếp kết hợp trực tuyến trong 45 phút buổi sáng thay vì chia hai ca sáng và chiều như mọi năm. Học sinh sẽ chuẩn bị từ 7h45, lễ khai giảng bắt đầu từ 8h và kết thúc lúc 8h30.
Tại sân trường, 386 học sinh khối 6 sẽ đại diện cho toàn bộ học sinh của trường dự lễ khai giảng trực tiếp. Với các khối lớp khác (từ 1 đến 12, trừ khối 6), các em sẽ dự lễ khai giảng tại lớp học với hình thức trực tuyến theo đúng thời gian thực.
"Học sinh vẫn chào cờ, hát Quốc ca, nghe thư của Chủ tịch nước, phát biểu của hiệu trưởng và đánh trống khai giảng. Ở dưới sân trường làm gì, học sinh trên lớp sẽ làm như vậy và quan sát buổi lễ qua livestream", thầy Khang nói.
Hiệu trưởng trường cũng cho hay năm nay nhà trường lấy chủ đề là "Năm học phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng" nhằm nâng cao ý thức của giáo viên, học sinh, phụ huynh, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tại lễ khai giảng, thầy Khang sẽ phát biểu ngắn về chủ đề này. Phần văn nghệ được cắt bỏ, nhưng nhà trường vẫn bố trí tiết mục "Việt Nam ơi! Đánh bay Covid" để truyền thông điệp năm học.
Mọi năm phụ huynh và cựu học sinh đến trường rất đông trong lễ khai giảng. Năm nay, trường khuyến cáo không tập trung mà có thể theo dõi qua livestream trên Fanpage và Youtube của trường. "Nhà trường đã chuẩn bị chu đáo về nội dung, hình ảnh, đường truyền. Các lớp học và không gian chung được vệ sinh khử khuẩn đều đặn, đồng thời được trang trí để tạo ấn tượng tốt đẹp, giữ trọn vẹn cảm xúc ngày đầu năm học mới cho học sinh", thầy Khang nói.
Tương tự, trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring (quận Long Biên) cũng lần đầu tiên tổ chức khai giảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Buổi lễ được tổ chức ngày 5/9 theo lịch chung nhưng chia làm hai ca. Buổi sáng, học sinh tiểu học sẽ đến trường. Trừ lớp 1 được ưu tiên tổ chức trong hội trường cùng ban giám hiệu và thầy cô, các lớp còn lại theo dõi buổi lễ trực tuyến cùng giáo viên chủ nhiệm tại lớp học. Toàn bộ học sinh đeo khẩu trang, được đo nhiệt độ, riêng lớp 1 phải xếp hàng để di chuyển vào hội trường và ngồi so le.
Học sinh THCS và THPT sẽ tham dự lễ khai giảng vào buổi chiều. Do phải đảm bảo ngồi giãn cách trong hội trường, sức chứa không đủ cho học sinh lớp 6 và 10 nên trường Wellspring quyết định cho bảy khối lớp của hai cấp khai giảng tại lớp.
Để đảm bảo an toàn, thay vì biểu diễn văn nghệ trực tiếp, thầy cô và học trò tự hát, thu âm thông qua các phần mềm hỗ trợ học tập, được ghép và biên tập thành một video hoàn chỉnh và chiếu trong buổi lễ.
"Việc này tuân thủ quy tắc phòng dịch, không tập trung đông người, đem lại cảm xúc mới mẻ cho cả thầy và trò khi được góp mặt trong một sản phẩm âm nhạc đặc biệt như vậy", đại diện trường Wellspring chia sẻ, cho biết thêm trường cũng đã hoàn thành việc phun khử khuẩn, bổ sung nước rửa tay, trang trí cổng, hành lang, rà soát đường truyền để lễ khai giảng tại từng lớp diễn ra suôn sẻ.
Năm nay, chủ đề năm học được trường lựa chọn là "Thích ứng, làm chủ và kiến tạo sự thay đổi", để khích lệ học sinh chủ động trước mọi tình huống, nhất là khi Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tác động nhiều đến các hình thức dạy và học.
Tại một số trường tư có không gian rộng, phù hợp với số lượng học sinh, lễ khai giảng sẽ được tổ chức trực tiếp, chẳng hạn trường Tiểu học - THCS - THPT Newton và Tiểu học - THCS Pascal hay trường Liên cấp THCS - Tiểu học Vietschool Pandora.
Trường Newton và trường Pascal (quận Cầu Giấy) lên kế hoạch khai giảng vào sáng 5/9 tại hai sân khác nhau trong cùng khu vực. Với khoảng 1.000 học sinh, trường Pascal tổ chức tại sân rộng gần 1.000 m2, còn trường Newton cho 1.700 em tập trung tại sân 2.500 m2.
Khi đến trường, học sinh sẽ di chuyển vào trong lớp để cất cặp sách, đo nhiệt độ, rửa tay rồi ra sân dự lễ. Học sinh đầu cấp không diễu hành như mọi năm mà ngồi tại chỗ, khi giới thiệu đến lớp nào, các em lớp đó sẽ vẫy tay hoặc hô khẩu hiệu. Năm nay, cả hai trường khai giảng ngắn gọn trong 45 phút, gồm hai tiết mục văn nghệ của giáo viên và học sinh mang tính chất đại diện, thay vì 5-6 như mọi năm.
Còn trường Vietschool Pandora (quận Thanh Xuân) quyết định tinh giản phần hội (văn nghệ) dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông Lê Việt Chung, đại diện truyền thông của trường, cho biết các hoạt động chính trong lễ khai giảng sẽ gồm đón học sinh lớp 1, chào cờ, đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu chào mừng năm học mới và đánh trống khai giảng.
"Nhằm đảm bảo an toàn, chúng tôi làm đúng theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về lễ khai giảng, từ nội dung buổi lễ đến các biện pháp phòng chống Covid-19", ông Chung nói, khẳng định với việc khử khuẩn toàn bộ không gian, chuẩn bị kế hoạch đo thân nhiệt, sát khuẩn tay hàng ngày cho học sinh, phụ huynh từ cổng trường, trang trí các lớp học, trường Vietschool đã đã sẵn sàng cho năm học mới.
Năm học 2020-2021, Hà Nội có 2.794 trường học, tăng 44 trường so với năm học trước; trên 2,1 triệu học sinh, tăng trên 67.000 em, nhiều nhất cả nước.
Từ ngày 25/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 37 ca mắc Covid-19, trong đó 11 ca ngoài cộng đồng và 26 ca được cách ly ngay khi nhập cảnh. 12 ngày qua, thành phố không ghi nhận bệnh nhân mới trong cộng đồng.