Một số giáo viên THCS Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) phản ánh, họ bị trừ điểm thi đua sau khi trở thành F0, không thể đến trường dạy trực tiếp.
Theo đó, tại cuộc họp hội đồng chiều 26/2, Chủ tịch Công đoàn trường THCS Văn Điển công bố trừ thi đua với các giáo viên là F0, phải nghỉ ở nhà. Theo quy định mà cán bộ, nhân viên đã ký từ đầu năm, mỗi ngày nghỉ sẽ bị trừ 2 điểm. Cả đợt nghỉ của mỗi F0 là một tuần, trường trừ chung 10 điểm, riêng những giáo viên vẫn dạy trực tuyến trong thời gian nhiễm bệnh bị trừ 5 điểm.
Sáng 28/2, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thanh Trì, xác nhận, trường THCS thị trấn Văn Điển áp dụng quy chế thi đua từ đầu năm học 2021-2022, trong đó có các yếu tố về giờ, ngày công. Nếu không đảm bảo đủ số ngày đến trường, giáo viên sẽ bị trừ điểm, dù là nghỉ vì mắc Covid-19.
"Dịch bệnh là bất khả kháng, không ai muốn mình trở thành F0 hay F1, quy chế thi đua này không phù hợp, máy móc và cứng nhắc, dẫn đến không động viên được cán bộ, giáo viên", ông Ngát khẳng định.
Tính đến 27/2, trường THCS thị trấn Văn Điển có 14 trên tổng số 88 giáo viên, nhân viên nhiễm Covid-19.
Theo ông, nhiều giáo viên F0 vẫn tiếp tục dạy trực tuyến tại nhà. Do đó, việc trừ điểm thi đua là không hợp lý, trái lại cần phải "trân trọng, động viên họ mới đúng".
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cho biết, kế hoạch thi đua, khen thưởng hàng năm do các trường chủ động. "Việc đưa ra quy chế thi đua để đánh giá cán bộ, giáo viên hàng năm là đúng, nhưng áp dụng quá nguyên tắc trong bối cảnh hiện tại thì không phù hợp", ông Ngát nói, khẳng định đây chỉ là việc làm của trường, Phòng không chỉ đạo hay có chủ trương khuyến khích sự cứng nhắc này.
Hiện, Phòng đã yêu cầu trường THCS thị trấn Văn Điển điều chỉnh quy định thi đua, khen thưởng, có thêm các tiêu chí để động viên thầy cô. Những trường còn lại trong huyện cũng được yêu cầu rà soát và điều chỉnh những quy định không phù hợp với thực tế.
Chia sẻ quan điểm về sự việc, ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: "làm công tác thi đua mà không linh hoạt điều chỉnh theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể là cứng nhắc, máy móc. Thi đua khen thưởng phải mang tính động viên, khích lệ, nhất là trong giai đoạn khó khăn, khi các giáo viên phải chịu nhiều vất vả, thiệt thòi vì dịch bệnh thời gian qua".
Hàng năm các trường học xây dựng quy chế thi đua, khen thưởng dựa trên một số tiêu chí như số giờ, ngày công, thành tích tại các kỳ thi giáo viên giỏi, thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi... Vào cuối năm học, giáo viên sẽ được đánh giá, phân loại, xếp hạng thi đua để trao các danh hiệu như "Lao động tiên tiến", "Chiến sĩ thi đua cơ sở"...
Theo đánh giá mới nhất về cấp độ dịch, Hà Nội có 74 đơn vị cấp xã, phường ở cấp độ ba. Thành phố có ngày trên 10.000 ca mắc Covid-19. Tại nhiều trường, số lượng F0, F1 học sinh chiếm hơn một nửa, buộc ban giám hiệu phải dạy song song trực tuyến và trực tiếp. Tuy nhiên, số giáo viên bị nhiễm virus hoặc phải cách ly cũng tăng mạnh khiến trường học thiếu người giảng dạy. Trong bối cảnh đó, nhiều thấy cô, dù trở thành F0 vẫn phải tham gia dạy học trực tuyến ở nhà.
Thanh Hằng