![]() |
Học sinh trường An Lộc B vẫn ngày ngày ngồi học trên chứng tích chiến tranh. |
Ngôi trường do người Hoa xây dựng từ cuối thập niên 60 mang tên Quốc Quang. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đây là điểm nóng của những trận giao tranh. Các thày cô cho biết, vì trường quá xuống cấp, nên họ luôn phải cảnh giác trước nguy cơ sụp đổ.
Giờ ra chơi, học sinh được lùa hết xuống sân. Các cầu thang dẫn lên tầng hai đã quá đổ nát phải bịt lại. Trước đây còn có một số phòng được sử dụng làm nhà tập thể giáo viên, giờ chỉ còn một. Một thày giáo cám cảnh: “Ban ngày chúng tôi đi dạy, tham quan các mô hình đạt chuẩn quốc gia của trường bạn, đêm lại về đây nghe gạch rụng. Mỗi lần mưa, nước dột thấm từ trên xuống, ngấm từ phía dưới lên, hắt vào từ bốn phía…”.
Hiệu trưởng Trịnh Thị Tình nói: “Vì thiếu phòng nên chúng tôi buộc phải sắp xếp cho các em học ở đây, dù đã hạn chế đến mức tối thiểu”. Số học sinh của trường ngày càng đông (hiện là gần 1.500 em). Tất cả các phòng học ở 3 cơ sở khác vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Ông Nguyễn Trung, Phó phòng Giáo dục huyện, cho biết, trường An Lộc B là đơn vị đi đầu về chất lượng giảng dạy và học tập, chỉ duy có cơ sở vật chất không đạt chuẩn quốc gia. Ý kiến phá bỏ để xây trường mới đã đề nghị lên UBND tỉnh từ 5 năm nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Kế hoạch xây dựng trường hiện đại 3 tầng, 14 phòng học đã được các thày cô giáo tính toán kỹ. Tuy nhiên, trường đang gặp phải một lực cản lớn hơn. Đó là việc ngành văn hóa - thông tin muốn giữ nguyên hiện trạng để làm chứng tích chiến tranh. Nếu vậy, trường phải di dời đi nơi khác, nhưng tới chỗ nào thì còn phải chờ UBND thị trấn An Lộc quy hoạch lại quỹ đất.
(Theo Tuổi Trẻ)