Các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Trung Quốc sẽ có ít nhất một hiệu phó kiêm nhiệm từ cơ quan thực thi pháp luật, theo hướng dẫn mới của Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Các hiệu phó này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kịp thời xác định, ngăn chặn và giải quyết tình trạng bắt nạt học đường, nâng cao nhận thức về pháp luật và xây dựng các quy trình học tập liên quan.
"Hiệu phó cần hỗ trợ bảo vệ quyền của học sinh, ngăn chặn hành vi phạm pháp của trẻ vị thành niên, cung cấp quản lý an toàn, kỷ luật học sinh (đối với hành vi sai trái) và hướng dẫn quản trị dựa trên luật pháp cho các trường học", hướng dẫn cho hay.
Hướng dẫn, được ban hành tuần trước, cho biết hiệu phó kiêm nhiệm sẽ được giới thiệu và bổ nhiệm bởi các cơ quan an ninh, viện kiểm sát và tòa án, đồng thời được thuê bởi các trường. Người đảm nhận nhiệm vụ phải có ít nhất ba năm kinh nghiệm pháp lý và trải qua khóa đào tạo đặc biệt trước khi bắt đầu công việc. Quy định mới có hiệu lực vào 1/5.
Bắt nạt học đường là vấn đề dai dẳng ở các trường học Trung Quốc, dẫn đến thương tích, thậm chí tử vong ở học sinh. Một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy 26% trẻ em ở các trường học thành thị từng bị bắt nạt.
Bộ Giáo dục cùng các cơ quan chính phủ khác đã công bố kế hoạch tuyển dụng quan chức thực thi pháp luật làm hiệu phó từ 2003, nhưng các chuyên gia cho hay chính sách này trước đó được thực hiện một cách lỏng lẻo.
"Một số trường học đã không tuyển dụng những vị trí như vậy kịp thời và một số hiệu phó không thực hiện tích cực, đầy đủ nhiệm vụ của mình", Xiong Bingqi, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, nói. "Hướng dẫn này nhằm tăng cường hơn nữa việc bổ nhiệm và quản lý các hiệu phó".
Việc bổ nhiệm sẽ ưu tiên cho các trường ở vùng sâu, vùng xa và nông thôn, cũng như các cơ sở giáo dục "yếu kém hơn" ở thành phố.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy Trung Quốc có 235.000 trường tiểu học và trung học cơ sở vào năm 2021. Theo Jiang Jihai, một quan chức của Tòa án Nhân dân Tối cao, trên 13.800 thẩm phán từng là hiệu phó tại hơn 15.000 trường.
Li Feng, quan chức của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cho biết gần 40.000 công tố viên đảm nhiệm vị trí này tại 77.000 trường vào cuối tháng 9 năm ngoái. Trong khi đó, Liao Qi, quan chức Bộ Công an, cho hay hơn 300.000 cảnh sát làm hiệu phó đã tiến hành các hoạt động dạy học sinh cách phòng chống bắt nạt, bạo lực, buôn bán người, tấn công tình dục và tai nạn giao thông vào năm 2021.
Bình Minh (Theo Sixth Tone, China Daily)