Theo Quyết định của UBND TP Hà Nội đầu tháng 1, sau 12 năm tự chủ tài chính, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức chức bộ máy, biên chế giai đoạn 2020-2023.
Hiệu trưởng được thành lập Hội đồng trường và trình Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phê duyệt, quyết định kế hoạch biên chế, sử dụng lao động hợp đồng làm việc tại trường, đồng thời xây dựng phương án tuyển dụng viên chức với các tiêu chí về số lượng, chức danh nghề nghiệp, điều kiện, hình thức và thời gian tuyển.
"Hiệu trường được quyền tiếp nhận viên chức thuộc các đơn vị do thành phố quản lý, có chức danh nghề nghiệp tương đương giáo viên THPT hạng II trở xuống và xếp lương viên chức với người được tuyển dụng lần đầu", quyết định nêu.
Việc điều động, biệt phái luân chuyển hay chấm dứt hợp đồng làm việc với giáo viên THPT hạng II trở xuống và những người có chức danh tương đương cũng thuộc quyền quyết định của hiệu trưởng.
Hiệu trường cũng được quyết định nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung, hoặc nâng lương trước thời hạn, kéo dài thời gian nâng lương với viên chức và người lao đồng hợp đồng.
Trong các hoạt động liên doanh, liên kết với tổ chức trong và ngoài nước, trường được chủ động tổ chức, ký hợp đồng để triển khai mô hình phù hợp, quyết định việc vay, huy động và góp vốn bằng các hình thức xã hội hóa.
Bày tỏ vui mừng trước quyết định trên, ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, nói quyền hạn đi kèm trách nhiệm, mỗi quyết định trong thời gian tới sẽ cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Tùy theo kế hoạch giáo dục, trường có thể thành lập thêm tổ đồng hành sáng tạo, giúp ban giám hiệu nghiên cứu các khóa tập huấn cho giáo viên. Một số vị trí không có trong danh mục tuyển dụng như giám thị, trợ giảng... cũng sẽ được xem xét để tuyển thêm.
"Với quyết định này, trường được tạo hành lang pháp lý và quyền chủ động trong việc vận hành kế hoạch giáo dục", ông Nhâm chia sẻ.
Thanh Hằng