Yêu cầu trên được Sở Giáo dục và Đào tạo nêu trong hướng dẫn các khoản thu học phí năm học 2020-2021, khi học sinh trở lại sau thời gian nghỉ phòng dịch.
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập (trường quốc tế, trường tư thục) phải công khai mức thu khi dạy trực tuyến, các khoản chi phí phát sinh cần thiết, thời gian dạy, các nội dung truyền tải và tỷ lệ hoàn thành chương trình.
Động thái này được đưa ra do từng xảy ra hàng loạt mâu thuẫn giữa phụ huynh và trường quốc tế về cách tính học phí học online hồi tháng 5 năm ngoái. Khi đó, sau 3 tháng học sinh nghỉ chống dịch trở lại trường, nhiều trường quốc tế chỉ giảm 5-10% học phí hoặc giữ nguyên mức thu. Với khoản học phí và chi phí khác mỗi năm, từ 200-600 triệu đồng, nhiều phụ huynh cho rằng cách tính trên là vô lý, thiếu sự chia sẻ.
Với khối trường công lập, Sở yêu cầu thời gian thu học phí và các khoản thu khác đúng số tháng thực học nhưng không quá 9 tháng.
Với các khoản thu thoả thuận (học hai buổi mỗi ngày, tiền bán trú, vệ sinh bán trú, tổ chức ăn sáng...), trường thu theo thời gian thực học; không thu các khoản này trong thời gian học sinh không đến trường.
Riêng đề án dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam, để đảm bảo kinh phí cho chương trình, mức thu có thể chia định kỳ theo quý, học kỳ hoặc cho cả năm.
Bộ phận tài vụ phụ trách việc thu các khoản tiền, giáo viên không tham gia. Nhằm giữ an toàn với Covid-19, phương thức không dùng tiền mặt được ưu tiên nhưng không bị giới hạn các ngân hàng thanh toán.
Học sinh TP HCM vừa có hơn 2 tuần nghỉ học tập trung, phòng dịch trước và sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu. Các em đi học lại đồng loạt từ ngày 1/3.
Hiện thành phố có hơn 2.300 trường học, khối công lập là hơn 1.300, gần 1.000 trường ngoài công lập, trong đó hơn 20 trường có vốn đầu tư nước ngoài (thường gọi là trường quốc tế). Với hơn 1,7 triệu học sinh, khối công lập chiếm hơn 1,4 triệu; còn lại là ngoài công lập.