- Sau dự án làm phim dang dở với Cung Lê, gần đây, cuộc sống của chị còn có những xáo trộn gì?
- Năm nay tôi gặp nhiều biến động trong công việc lẫn cuộc sống. Tôi buộc phải ngừng hợp tác với anh Cung Lê vì hai bên không đạt được thỏa thuận từ kịch bản đến những vấn đề xung quanh việc sản xuất. Điều này là đáng tiếc nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến tôi bằng việc phải chịu hai cái tang lớn trong nhà. Đó là sự ra đi của bố tôi và bà nội. Với tôi, không có mất mát nào lớn hơn mất người thân. Sau khi lo chuyện hậu sự gia đình, tôi lại trải qua đợt sốt xuất huyết "thập tử nhất sinh", nguy hiểm đến tính mạng, khiến tôi không còn sức lực và tinh thần làm dự án phim mới.
- Việc bố mất ảnh hưởng đến tinh thần của chị như thế nào?
- Bố rất yêu thương tôi, ảnh hưởng rất nhiều đến tôi về suy nghĩ, lối sống. Ông luôn đặt tình nghĩa lên trên hết. Có lần tôi đi nước ngoài, mua tặng ông một bộ vest đắt tiền. Bạn đến nhà chơi thấy thích, ông bèn đem tặng lại. Bố nói ông không thiếu đồ, còn bạn ông mơ ước cả đời không có được một bộ trang phục đàng hoàng. Ông dạy cho tôi rất nhiều điều trong cuộc sống. Sự ra đi bất ngờ của ông là một cú sốc tinh thần với tôi.
Cách đây khoảng sáu tháng, bố còn khỏe mạnh, nấu cho tôi bữa cơm ngon khi tôi từ TP HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Một ngày, ông đi khám bệnh vì thấy đau cổ họng khi nuốt nước bọt. Bác sĩ bảo ông bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối, khuyên không nên chữa vì khối u đã to như một quả trứng. Tôi nghĩ "còn nước còn tát", đưa ông đi chữa trị khắp các bệnh viện ở Việt Nam rồi sang Singapore. Tuy nhiên, sức khỏe bố tôi không chịu đựng được tác dụng phụ của phương pháp hóa và xạ trị. Ông qua đời để lại tôi sự trống rỗng, nỗi đau đến giờ chưa nguôi. Khi quây quần bên mẹ, con gái, tôi lại nhớ ông, mở hình chụp cùng ông trong điện thoại để ngắm.
- Ai là người bên cạnh chia sẻ cùng chị những chuyện buồn vừa qua?
- Tôi không có nhiều bạn bè, nguồn an ủi duy nhất của tôi ở thời điểm này là con gái - bé Bảo Tiên. Bố đi rồi, trong gia đình còn mẹ và em trai nhưng tôi không thể nói cùng họ vì sợ mọi người lo lắng. Tôi tự chịu đựng nỗi buồn và tìm cách vượt qua nó.
Tôi cũng đang tìm hiểu một người nhưng mọi chuyện còn chưa chắc chắn vì cả hai xa nhau về mặt địa lý. Nếu được tôi vẫn muốn kết hôn lần nữa, tôi không tự tin làm bà mẹ đơn thân suốt đời. Người phụ nữ dù thành công, mạnh mẽ đến đâu cũng cần có gia đình. Không ai muốn sống một mình, trừ khi số phận buộc họ phải chịu như vậy. Tôi lấy ví dụ, đợt mưa bão ở Sài Gòn vừa qua, hai mẹ con tôi nằm ôm nhau sợ hãi vì tiếng sấm chớp, mưa gió đùng đùng bên ngoài. Nếu có một người đàn ông trong nhà sẽ tốt hơn nhiều. Hay những lúc điện, nước trong nhà bị hỏng, một tay tôi tự sửa dù rất sợ lần mò công tắc trong bóng tối. Với tôi, người phụ nữ thành công là có được một gia đình đầy đủ, con cái thành đạt.
- Chị làm sao vượt qua giai đoạn thiếu vắng đàn ông trong gia đình?
- Đâu có ai mạnh mẽ khi đổ vỡ hôn nhân, chẳng qua họ cố tình như một cây thông giữa rừng, bước tiếp vì còn trách nhiệm với công việc, con cái, người thân. Tôi cũng có nhiều nỗi buồn không nói thành tên. Tôi thường chạy bộ như một "người điên", mở tivi lên xem để giải tỏa căng thẳng. Những lúc quá ức chế tôi bật khóc như mưa.
- Quan niệm về hôn nhân, tình cảm của chị khác xưa như thế nào?
- Ngày trước hay sau này tôi vẫn cần một cuộc hôn nhân bình yên, hạnh phúc giản dị. Quan trọng là người đàn ông phải quan tâm, có những lời nói ngọt ngào với bạn đời. Tôi rất chú trọng sự lãng mạn trong đời sống vợ chồng. Thời nay rất hiếm người đàn ông nào làm được điều này. Mặt khác, phần lớn cô gái trẻ chỉ cần một người đàn ông có tiền là đủ.
Điểm thay đổi lớn nhất trong chuyện tình cảm là tôi biết cảm thông cho người yêu hơn. Ngày xưa, khi yêu tôi chỉ muốn đối phương là của mình. Bây giờ, nếu quen một người đàn ông từng đổ vỡ, tôi không đòi hỏi họ bên cạnh tôi thường xuyên bởi đối phương còn phải dành thời gian bên con.
- Chị chia sẻ chuyện tình cảm với con gái như thế nào?
- Bảo Tiên đang bước vào tuổi dậy thì nên tôi phải cẩn thận trong mọi vấn đề, tránh ảnh hưởng đến tâm sinh lý của con. Tôi từng trò chuyện với con, đặt giả định sau này mẹ lấy chồng, sinh em bé thì sẽ như thế nào. Con gái tôi nói không thích có em, chỉ muốn có anh chị thôi. Vì vậy, khi quen ai tôi không vội vàng để cho Bảo Tiên gặp mặt. Trẻ con rất nhạy cảm, biết ai thương và không thương nó. Tôi muốn từ từ xây dựng tình cảm tự nhiên giữa con tôi với người đàn ông tôi muốn gắn kết.
Bé học trường quốc tế nên có tư duy độc lập, dù vậy con tôi sống rất tình cảm. Bé biết quan tâm, để ý đến mẹ, bạn bè xung quanh. Mỗi khi đi học, Bảo Tiên luôn hôn mẹ chào tạm biệt. Hôm nào thấy tôi mệt, con gái bảo không cần tôi đưa đến trường, gọi bố sang chở đi, rồi nhẹ nhàng kéo màn cửa cho tôi ngủ. Khi tôi đưa bé cùng bạn bè đi mua sắm, bé có bộ đồ nào thì bạn cũng phải có bộ đó. Tôi không may mắn khi hôn nhân đổ vỡ, bù lại tôi có được bé Bảo Tiên. Tôi thấy biết ơn ông trời hơn là thấy tội nghiệp cho bản thân.
- Điều gì quan trọng với chị ở thời điểm hiện tại?
- Sau khi bố mất, trải qua lần bệnh "thập tử nhất sinh", tôi nhận ra sức khỏe là quan trọng nhất. Nếu như tôi nằm xuống sẽ không ai lo cho con gái, mẹ và em trai. Lúc trong bệnh viện, tôi thấy mọi thứ nhỏ bé lắm, sống chết như sợi tóc. Chuyện tiền bạc, hơn thua tôi để lại phía sau. Điều quan trọng thứ hai với tôi là sống bình yên bên gia đình, có được hai, ba người bạn tri kỷ để chia sẻ, bảo vệ tôi vô điều kiện.
- Kế hoạch của chị trong thời gian tới ra sao?
- Khoảng giữa năm sau tôi khởi quay Hương Ga 2. Còn giờ, tôi hiểu rõ sự quan trọng của việc dành thời gian cho gia đình. Tôi thường dẫn mẹ đi du lịch. Mẹ muốn gì tôi cũng mua, muốn đi đâu tôi cũng đưa bà đi.