Hai ngày nay, cô Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng THCS Đông La, huyện Hoài Đức, liên tục phải họp bàn kế hoạch đón học sinh lớp 6 và 9 trở lại trường, sau khi có quyết định về việc cho học sinh khối 5, 6, 9, 10 và 12 của 18 huyện, thị ngoại thành đi học trực tiếp từ 8/11.
Đọc các văn bản hướng dẫn của UBND huyện, Sở Giáo dục & Đào tạo và Sở Y tế, cô Dung tính ra nhiều đầu việc phải rà soát và chuẩn bị.
Thứ nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị vật tư y tế. Suốt hai tuần nay, dù chưa có thông tin học sinh được đi học trực tiếp, giáo viên, nhân viên đã đến trường dọn dẹp. Hôm qua, trường nhận Chloramine B từ ngành y tế địa phương để chuẩn bị cho việc phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên cuối tuần này. Nhân viên cũng rà soát lại thiết bị đo thân nhiệt, dung dịch rửa tay khô và những vật tư y tế khác để bổ sung ngay khi cần thiết.
Thứ hai, trường phải lên phương án chi tiết đón học sinh trở lại, trong đó có việc đảm bảo duy trì giãn cách. Với 6 lớp 9 và 7 lớp 6, sĩ số lớp hơn 40, cô Dung cho rằng khó giãn cách theo kiểu chia lớp làm hai bởi số lượng giáo viên không đảm bảo. Vì vậy, trường đang lên phương án xếp học cách phòng, đảm bảo học sinh các lớp không tiếp xúc gần. Việc phân luồng học sinh khi đến trường và ra về, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang cũng được vạch ra tương tự năm học trước.
Theo hướng dẫn của huyện, trường THCS Đông La cũng phải gửi tới phụ huynh và học sinh bản cam kết "Một cung đường, hai điểm đến", phụ huynh đảm bảo tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Ngoài ra, ban giám hiệu THCS Đông La còn giải quyết bài toán giáo viên phải tiêm đủ hai mũi vaccine mới được dạy trực tiếp. Cô Dung không thể bố trí giáo viên ở những vùng vừa xuất hiện ca mắc Covid-19 mới đến trường trong tuần tới.
"Chúng tôi cần đảm bảo giáo viên chỉ đến trường khi đáp ứng đủ tiêu chí. Điều này sẽ khiến học sinh được đi học trực tiếp nhưng vẫn có một số tiết phải học online. Chẳng hạn với môn Lịch sử lớp 6, trường hiện chưa thể bố trí giáo viên, dẫn đến phải sắp xếp lại thời khóa biểu, cân đối với các khối, lớp khác để giáo viên và học sinh không bị chồng chéo tiết học", cô Dung nói.
Cũng vì có giáo viên chưa tiêm đủ hai mũi vaccine, cộng với việc số ca mắc Covid-19 tăng cao trở lại, cô Dung cho biết khả năng cao trường THCS Đông La và nhiều trường trên địa bàn huyện chưa thể đón học sinh trở lại.
Theo thống kê của Sở, hiện có 97,06% giáo viên đã được tiêm mũi một và tỷ lệ tiêm đủ hai mũi là 72,85%. Vì vậy, không chỉ trường Đông La, một số trường học khác cũng phải sắp xếp lại giáo viên dạy trực tiếp.
Đã có 95% giáo viên được tiêm đủ hai mũi vaccine, trường Tiểu học Đan Phượng, huyện Đan Phượng không bị xáo trộn khi tổ chức dạy trực tiếp. Tuy nhiên, trường cũng đang cấp tập chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo an toàn để được đón hơn 200 học sinh khối 5 trở lại vào tuần sau.
Tự đánh giá đáp ứng được bộ 16 tiêu chí do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định, cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết vẫn phải chờ kết quả kiểm tra và quyết định cuối cùng từ chính quyền. Hiện, nhà trường đang cho tổng vệ sinh khử khuẩn, sắp xếp lại phòng học, chuẩn bị vật tư y tế. Trường cũng đã hoàn thành phương án giãn cách, phân luồng để hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa học sinh các lớp với nhau.
"Đan Phượng là vùng xanh, không có ca bệnh nào trong thời gian dài. Tuy nhiên, với số lượng học sinh trở lại đông, tạo ra lưu lượng tiếp xúc lớn, không thể nói trước việc giáo viên hay học sinh có vô tình trở thành F không. Vì vậy, chúng tôi cần cố gắng tạo ra sự an toàn cao nhất, nhưng cũng phải xác định với tình hình dịch như này, việc nay học mai nghỉ là điều có thể xảy ra", cô Oanh bày tỏ.
Trong kế hoạch đón học sinh trở lại, Tiểu học Đan Phượng cũng lưu ý giáo viên tận dụng thời gian "vàng" dạy kiến thức trọng tâm, cốt lõi cho học sinh. Song song với đó, giáo viên phải khảo sát để xem học sinh hổng hay yếu phần nào, từ đó có kế hoạch bù đắp.
Vẫn đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung dự phòng cho huyện Ba Vì, đến hiện tại, trường THPT Ba Vì cũng chưa biết có thể đón học sinh khối 10 và 12 trở lại trường như quyết định của UBND thành phố hay không. Dù vậy, nhà trường vẫn liên tục chuẩn bị các điều kiện, đảm bảo đạt được mức độ an toàn phòng chống Covid-19 trong trường học theo bộ 16 tiêu chí, nhằm sẵn sàng đón học sinh bất cứ lúc nào được phép.
Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thắng cho hay dù các phòng học được sắp xếp để sẵn sàng tiếp nhận người tới cách ly tập trung, nhà trường vẫn dọn dẹp khuôn viên xung quanh và sẵn sàng chuyển đổi cơ sở vật chất bên trong khi có lệnh trả mặt bằng từ chính quyền.
Trường THPT Ba Vì cũng lên các phương án đón học sinh trở lại đảm bảo giãn cách. Theo đó, 13 lớp 12 sẽ học buổi sáng và 13 lớp 10 học buổi chiều. Cả trường chỉ có một giáo viên thiếu một mũi vaccine do có thời gian nghỉ sinh con. Giáo viên này sẽ được xếp dạy trực tuyến khối 11.
Thầy Thắng tự đánh giá trường đạt 13/16 tiêu chí an toàn, trong đó có tất cả các tiêu chí bắt buộc. "Chúng tôi luôn ở tâm thế sẵn sàng, chỉ chờ quyết định được phép dạy trực tiếp để rà soát lại một lần nữa", thầy nói.
Ngoài THPT Ba Vì, thành phố vẫn còn 26 trường khác được trưng dụng làm cơ sở cách ly. Trước diễn biến mới về Covid-19 với số ca nhiễm mỗi ngày luôn hơn 20 kể từ 28/10, riêng hôm qua là 62, thành phố cho biết sẽ có điều chỉnh linh hoạt bởi văn bản đồng ý chủ trương cho học sinh đi học trở lại được quyết định lúc số ca dương tính hàng ngày chỉ trên dưới 10.
Tuy vậy, tại hội nghị giao ban của ban chỉ đạo Covid-19 thành phố với các quận, huyện, thị xã ngày 3/11, Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị vẫn sẵn sàng mọi điều kiện theo đúng quy định, Sở Giáo dục phối hợp với Sở Y tế xây dựng hướng dẫn cho các đơn vị khi có các tình huống xảy ra. "Việc một số học sinh tại 18 huyện được quay trở lại trường học vào ngày 8/11 theo dự kiến, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ thành phố đến các huyện, thị xã", ông Dũng nhấn mạnh.