Ngày 8/9, tại hội nghị góp ý dự thảo Thông tư về việc giảng dạy văn hóa THPT trong các trường nghề do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho rằng thông tư cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, tạo điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT cho người học.
TS Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Cao đẳng Y Thái Bình, đánh giá dự thảo thông tư đang bị bó hẹp và làm mất quyền lợi của người học. Nếu chỉ học chương trình văn hóa 4 môn, học sinh chỉ có thể liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT để liên thông lên đại học. Việc này khiến các em gặp khó khăn khi xin việc, thi tuyển viên chức, công chức bởi hồ sơ thường yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp THPT, đồng thời cũng là rào cản nếu muốn học cao hơn.
Trường hợp muốn dự thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần được học chương trình giáo dục thường xuyên gồm 7 môn. Nhưng các trường nghề hiện không được tự dạy mà phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên. Bà Dung nhận định đây là bất cập trong thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi trường nghề có đủ khả năng dạy chương trình văn hóa 4 môn và 7 môn, thậm chí làm tốt hơn các trung tâm giáo dục thường xuyên. Vì thế, Bộ cần cho phép trường nghề đào tạo cả hai chương trình này, để người học chọn dựa trên nhu cầu cá nhân.
Bà Dung kiến nghị thông tư cần quy định rõ khối lượng kiến thức của chương trình 4 và 7 môn cùng yêu cầu về cơ sở vật chất. "Nếu đáp ứng được, các trường nghề cần được tự chủ dạy văn hóa, giải quyết bất cập khi liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên", bà nói.

TS Nguyễn Thị Thu Dung tại buổi hội nghị, ngày 8/9. Ảnh: Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp
Cùng quan điểm, ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM, cho rằng việc học liên thông không nên chỉ giới hạn trong giáo dục nghề nghiệp mà còn cần liên kết với hệ thống giáo dục toàn quốc. "Việc chỉ cho các em chững lại ở cao đẳng, gặp bế tắc tại đó là bất cập, phi lý trong một nền giáo dục mở", ông Lộc khẳng định.
Trước kia, Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM có trường THPT Lý Tự Trọng trực thuộc với hơn 2.000 học sinh tại ba khối lớp. Sau đó, theo quy định trường nghề không được đào tạo văn hóa, trường THPT Lý Tự Trọng đã giải thể. Hiện đội ngũ giáo viên THPT vẫn tiếp tục công tác và hoàn toàn đủ khả năng đào tạo chương trình văn hóa cho học sinh. Ông Lộc đề nghị Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường nghề thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên để giải quyết bất cập này.
Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy Vũ Xuân Hùng cho rằng các môn văn hóa được đề cập trong dự thảo thông tư cần được thiết kế thống nhất với chương trình giáo dục thường xuyên, giáo dục THPT. Tính liên kết này giúp những học sinh đã hoàn thành chương trình 4 môn có thể học bổ sung các môn còn thiếu để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ông Vũ Xuân Hùng phát biểu tại hội thảo, ngày 8/9. Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Từ năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép các trường nghề tổ chức đào tạo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh. Thay vào đó, những trường này chỉ được giảng dạy kiến thức văn hóa THPT theo Luật Giáo dục 2019 (gồm 4 môn) để liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, đồng nghĩa khi ra trường, học sinh không có bằng tốt nghiệp THPT mà chỉ có Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
Việc này đã khiến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhiều lần kiến nghị được tiếp tục dạy văn hóa tại trường như trước kia. Cuối tháng 3/2021, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam cùng các tổ chức khác đã gửi công văn lên Thủ tướng, phản ánh quy định mới gây khó khăn cho trường và người học, đồng thời cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm ban hành thông tư quy định liên quan.
>>Xem toàn văn Dự thảo Thông tư
Thanh Hằng