Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra. Tại nhiều trường THPT, các lớp ôn kiến thức, luyện đề diễn ra hàng ngày. Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) cũng đang trong giai đoạn bồi dưỡng cao điểm nhằm giúp học sinh có tâm lý, kỹ năng tốt trước khi bước vào kỳ thi.
Thầy Lê VănThuyết, hiệu trưởng nhà trường, thông tin ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch nhằm đảm bảo 100% học sinh tốt nghiệp THPT và có điểm xét tuyển đại học cao. Nhà trường đã chủ động lựa chọn giáo viên tốt nhất, từ chủ nhiệm đến giáo viên bộ môn để chăm lo, bồi dưỡng cho khối lớp này.
Với học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức các kỳ thi, kiểm tra nhằm phân loại, sàng lọc. "Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp để bồi dưỡng những học sinh có nguy cơ bị điểm liệt", ông Thuyết nhấn mạnh.
Quyết định này được đưa ra vì nhiều lý do. Thứ nhất, tình trạng học lệch ở trường vẫn diễn ra. Theo đó, một số em chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên không học các môn xã hội và ngược lại. Có những em chỉ tập trung vào môn sẽ xét tuyển đại học.
Thứ hai, tỉnh Ninh Bình từng có những học sinh trường chuyên có điểm xét tuyển đại học lên tới 24 nhưng do một môn bị điểm liệt mà trượt tốt nghiệp. Vì vậy, trường Yên Khánh A rút kinh nghiệm ngay từ trước khi kỳ thi năm nay diễn ra.
Ông Thuyết thông tin thêm dù Yên Khánh A là trường top đầu của tỉnh, trong đợt thi thử vừa qua, trường vẫn có tới 13 em trượt tốt nghiệp. Năm 2018, trường có 5 em và 2017 là 3 em. Những con số này buộc trường không được chủ quan.
Ông Phạm Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình, cho rằng trường hợp thí sinh trường chuyên có môn bị 1 điểm là bài học nhắc nhở các thí sinh ở kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Ông Toàn thông tin thêm thí sinh này có nộp đơn phúc khảo bởi chỉ cần được 1,25 điểm, em sẽ tốt nghiệp và đỗ đại học. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Kết quả phúc khảo không thay đổi so với điểm ban đầu. Theo ông Toàn, đây cũng là một dẫn chứng khẳng định việc chấm thi được thực hiện chính xác.
Năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình sẽ phối hợp với Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho gần 9.000 thí sinh trong toàn tỉnh.
Để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, ngành giáo dục Ninh Bình đã chuẩn bị cơ sở vật chất, tham mưu với Công an tỉnh để lắp đặt camera tại nơi bảo quản đề thi, bài thi và khu vực chấm thi.
Việc cách ly trong các khâu cũng được Sở chú trọng. "Như năm trước, tất cả thứ mang vào khu vực cách ly đều không được mang ra cho đến khi nhiệm vụ hoàn thành. Thậm chí thùng rác, thức ăn thừa 10-15 ngày vẫn phải để trong khu vực đó", ông Toàn nhấn mạnh.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình cũng khẳng định đã tuyên truyền những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đến từng cán bộ làm nhiệm vụ thi cũng như phụ huynh và thí sinh nhằm tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với các khâu tổ chức kỳ thi.
Lấy dẫn chứng về vụ gian lận thi cử năm 2018 ở ba địa phương khi một số cán bộ không thực hiện đúng quy trình thi như việc giữ chìa khóa tủ, lơ là việc giám sát, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình cho rằng dù quy trình chặt chẽ đến đâu, công nghệ có tối ưu thế nào thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, Ninh Bình sẽ chọn các cán bộ có năng lực, trách nhiệm làm nhiệm vụ trong kỳ thi.
Tỉnh này cũng quyết định sẽ chấm lại những bài thi Ngữ văn đạt từ 8,5 điểm trở lên nhằm đảm bảo kết quả là chính xác.
Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia của Ninh Bình là 8.974 em. Trong đó, gần 8.700 thí sinh đang học lớp 12.
Lượng thí sinh đăng ký dự thi bài tổ hợp là 8.745 em. Trong đó, số đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên là gần 3.000 (chiếm 33,89%). Số thí sinh đăng ký bài Khoa học xã hội chiếm gần 66% và chỉ có 0,02% tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài tổ hợp.