Hồ Gia Ngọc, 29 tuổi, cùng gia đình sang Mỹ định cư năm 2016. Cô từng tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Đại học Luật TP HCM và có hai năm đóng phim truyền hình, góp mặt trong nhiều gameshow ở Việt Nam. Nhưng khi đến Mỹ, Ngọc chưa biết phải làm gì.
Lúc mới sang, cô không thể giao tiếp. Xác định tiếng Anh là chìa khóa để tồn tại, Ngọc đăng ký một trường cao đẳng cộng đồng, với mục đích học tiếng và tìm ngành. Tốt nghiệp, cô theo ngành nghiên cứu sự phát triển của con người (Human Development and Family Studies) tại Đại học Houston, bang Texas.
Ra trường vào tháng 5/2020, đúng thời điểm dịch bệnh căng thẳng, Ngọc rơi vào bế tắc.
Thời sinh viên, Ngọc yêu thích các môn học về chăm sóc em bé và dinh dưỡng. Cô cũng đi thực tập nhiều nơi, ở cả trường mẫu giáo công và tư, tại Houston. Thấy một trường tư gần nhà cần người, Ngọc thử đến xin việc và được nhận.
Thời điểm đó, một số trường tư vẫn mở cửa nhưng thiếu giáo viên. Nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh cao, trong khi đại dịch khiến việc tìm được nơi trông giữ trẻ ban ngày trở nên khó khăn. Theo một cuộc điều tra dân số do tổ chức Third Way thực hiện, Houston có 110.000 lao động phải nghỉ việc để trông con, nhiều hơn phần lớn các thành phố khác ở Mỹ.
Làm được vài tháng, cô được bạn giới thiệu chương trình khởi nghiệp mở nhà trẻ miễn phí của tổ chức Alliance, ban đầu chỉ dành cho người tị nạn. Tổ chức này cung cấp các khóa học dạy cách điều hành doanh nghiệp, các giai đoạn phát triển của trẻ trước 5 tuổi và giúp có các chứng chỉ, giấy tờ cần thiết để mở trường. Từ khi chương trình bắt đầu, 70 cơ sở trông giữ trẻ đã được thành lập ở Houston. Các thành viên được vay tiền của từ ngân sách, không tính lãi và được trả giúp trong ba tháng đầu để mở trường.
Ngọc đăng ký tham gia, dù phải tận dụng tối đa thời gian và chỉ được ngủ vài tiếng mỗi ngày. "Suốt thời gian đó, tôi không có cuối tuần, sụt cân khiến không ai nhận ra. Nhưng vì thích có một nơi để người Việt gửi gắm con mình tới học, tôi dành toàn bộ tâm sức thực hiện", cô giáo 9X nhớ lại.
Ngôi trường trong hình dung của Ngọc là trường song ngữ, dành cho học sinh Việt Nam và trẻ nói tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ, giúp chúng làm quen với môi trường học ở Mỹ. Trường nhận học sinh từ 6 tuần tuổi đến 12 tuổi. Với trẻ lớn, giáo viên sẽ giúp làm bài tập về nhà và kèm học.
Dựa vào kiến thức chuyên môn được đào tạo và kinh nghiệm làm việc thực tế, Ngọc tự viết chương trình cho từng ngày, tuần và tháng. Cô cũng soạn sách bài tập để tăng cường các kỹ năng, khả năng tư duy logic và đọc, viết cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.
Vừa đi làm, Ngọc vừa tranh thủ hoàn thiện thủ tục mở trường, tự tay đóng bàn, ghế, tủ đựng đồ và mua sắm giáo cụ. Sau một năm làm ở trường mầm non tư, cô nghỉ việc và hồi tháng 2, khai trương "đứa con tinh thần" Dino Land Academy, mở cửa từ 7h30 đến 18h30.
Lúc đầu, trường chỉ có 6 học sinh, một giáo viên là Ngọc và một người nấu ăn, dọn dẹp. Vài tháng sau, các phụ huynh trong cộng đồng người Việt ở Houston truyền tai nhau và kéo đến gửi con đông, khiến Ngọc phải tuyển thêm hai giáo viên nữa.
Ngọc tâm sự cô muốn xây dựng mô hình giáo dục chất lượng như các trường cao cấp ở Mỹ nhưng học phí phù hợp để người Việt có thể cho con theo được. Mức phí hiện tại của Dino Land Academy là 185 USD/tuần với trẻ trên 2 tuổi và 210 USD/tuần cho trẻ dưới 2 tuổi. Mức đó so với các cơ sở trông giữ trẻ có dạy học được cho là rẻ.
"Tôi cũng nghệ sĩ và yêu nghề nên việc mang lại môi trường học tập chất lượng quan trọng hơn yếu tố kinh doanh", cô hiệu trưởng 9X giải thích.
Vào những dịp đặc biệt như Tết, trung thu, Ngọc tổ chức các hoạt động để trẻ hiểu hơn văn hóa Việt Nam. Các em cũng được tham dự nhiều lễ hội ở Mỹ để hòa nhập với cuộc sống ở đây.
Mở trường trong thời điểm dịch bệnh, Ngọc kỹ lưỡng trong khâu vệ sinh và dinh dưỡng. Giường ngủ của trẻ được sát khuẩn cuối mỗi ngày. Các cô giáo luôn đeo khẩu trang, trong khi học sinh được yêu cầu rửa tay thường xuyên. Những em có biểu hiện sốt, ho sẽ phải nghỉ ở nhà và được trở lại trường khi có giấy của bác sĩ.
Sự chỉn chu và cẩn thận của cô hiệu trưởng khiến các phụ huynh yên tâm. Con gái chị Hoài Nguyễn ở thành phố Houston vốn bị dị ứng nên chị rất quan tâm tới đồ ăn ở trường. Chị luôn hài lòng vì thực đơn phong phú và không có các món gây dị ứng.
Chị Hoài ấn tượng ngay lần dẫn con gái Julia Trần, hơn hai tuổi, tới thăm trường cách đây hai tháng. Julia được các bạn chào đón và mang đồ chơi tới chia sẻ khiến cô bé không muốn về. Sau thời gian đi học, Julia cởi mở và dạn dĩ hơn khi gặp bạn mới. Bé cũng tự lập trong ăn uống, biết dọn đồ chơi, nhận biết chữ cái, con số và thuộc nhiều bài hát.
"Cho con học ở đây là sự lựa chọn sáng suốt vì trường gần nhà, đi chưa tới 5 phút. Trường là nơi chuẩn bị những bước đầu tiên cho hành trang vào đời của con. Tôi rất cảm ơn cô giáo", chị Hoài nói.
Cũng có con học ở Dino Land Academy, chị Mai Tăng thấy may mắn khi kiếm được một trường phù hợp với bé. "Tìm được trường gần nhà, vừa hiện đại nhưng không mất đi giá trị truyền thống như vậy không dễ", chị Mai cho biết.
7 tháng trước, chị Mai gửi con vào trường của Ngọc, với mong muốn bé biết hai ngôn ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh. Sau thời gian học, chị vui khi con gái gần 4 tuổi đã thuộc bảng chữ cái, đọc các số từ 1 đến 30 và biết hơn về văn hóa Việt Nam qua các hoạt động ở trường.
Trường giờ đã đi vào ổn định, còn Ngọc trở thành gương mặt trên các tờ báo, kênh phát thanh của địa phương về một mô hình giáo dục gần gũi, chất lượng và hợp lý. Trên trang của tổ chức Alliance, câu chuyện khởi nghiệp của Ngọc được đăng vào ngày Doanh nghiệp Quốc gia. "Chúng tôi rất tự hào về Ngọc và háo hức được trợ giúp khi cô ấy phát triển ngôi trường của mình", trích bài giới thiệu của Alliance.
Ngọc chưa dám nhận thành công và nói vẫn cần cố gắng. "Phải đi theo cái mình đam mê, bạn mới giỏi và đủ năng lượng để làm tốt", Ngọc chia sẻ.
Tại ngôi trường Ngọc tạo nên, những tấm bằng và chứng chỉ cô đạt được sau sáu năm đến Mỹ phủ kín một mảng tường. Ngọc thỉnh thoảng vẫn nhớ thời còn làm nghệ thuật nhưng những người bạn ở Việt Nam dần xem ngày tháng đó là kỷ niệm khi chứng kiến đam mê và thành quả cô đạt được trong lĩnh vực giáo dục.
Bình Minh