Lần đầu tiên Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch - CEO của IBP và cũng là doanh nhân nổi tiếng trong cộng đồng doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo sẽ xuất hiện trên VnExpress với vai trò Cố vấn nội dung và Host (người dẫn dắt) của của chương trình The Next Power.
Tại đây, nữ doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi sẽ mời các doanh nghiệp lớn, hàng đầu lên ghế nóng để cùng hỏi đáp, thảo luận về chủ đề đổi mới, sáng tạo hay còn gọi là innovation.
Trong bài phỏng vấn với VnExpress, nữ doanh nhân chia sẻ về cách The Next Power sẽ đem đến cho khán giả những câu chuyện Innovation hay từ những doanh nghiệp hàng đầu.
- Là một doanh nhân, nhà tư vấn với quỹ thời gian hạn hẹp, chị có thể chia sẻ lý do đồng hành cùng chương trình The Next Power với vai trò Cố vấn nội dung và Host (người dẫn dắt)?
- Tôi từng có ý định về việc xây dựng một chương trình chia sẻ nhiều khía cạnh liên quan đến Innovation, và có lẽ vì thế mà duyên cũng đến. Với The Next Power, tôi đã bị thuyết phục với yếu tố nội dung mà chương trình theo đuổi, ở đó, chương trình làm nổi bật tính Innovation, khắc hoạ hai tính chất Đổi và Mới bên trong mỗi câu chuyện doanh nghiệp. Là một người có thời gian dài gắn bó với môi trường này, tôi sẵn sàng để có thể đóng góp điều gì đó ý nghĩa cho cộng đồng doanh nghiệp dù việc đấy ngốn không ít thời gian.
Với The Next Power, tôi và Host đồng hành là anh Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PNJ sẽ tìm kiếm và mang đến những câu chuyện Innovation với sự đổi mới sáng tạo mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện, và tôi tin rằng có những câu chuyện của đổi mới và sáng tạo khác với những gì chúng ta thường hình dung.
The Next Power sẽ xoay và xoáy vào những câu chuyện có thật bên trong doanh nghiệp khi thực hiện hành trình đổi mới, về những yếu tố sống còn, những rủi ro, những được và mất trước các quyết định cho sự đổi mới. Mọi thứ đều rất chân thật.
- Chị có thể giải thích kỹ hơn tinh thần đổi mới ở đây là gì?
Tôi gắn bó 13 năm trong Innovation Ecosystem và điều may mắn lớn nhất là được kết nối, làm việc, tương tác với hầu hết các thành tố trong hệ sinh thái này. Chính nhờ vậy, tôi hiểu được rằng, ở mỗi thành tố trong hệ sinh thái này lại đang nhìn về một khía cạnh khác nhau của innovation.
Ở vai trò sáng lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) tôi tiếp xúc sâu hơn với hàng chục ngàn các công ty startup trong gần 13 năm qua, và các bạn luôn có một khát khao hướng tới thứ được gọi là disruptive innovation (đổi mới mang tính chất đột phá). Innovation đôi lúc và đôi chỗ gần như được ưu ái là điều đặc biệt nhất chỉ có ở cộng đồng startup (doanh nghiệp công nghệ). Điều có chẳng sai nhưng có gì đó không hoàn toàn đúng.
Nhìn lại hàng chục ngàn các doanh nghiệp khác tại Việt Nam, thông qua Hội doanh nhân trẻ mà tôi tham gia cùng những vị trí khác trong các doanh nghiệp lớn, điều làm tôi thấm thía và thấu hiểu nhiều hơn là mỗi doanh nghiệp sinh tồn và phát triển trong một thời gian đủ dài ít nhiều hàm chứa phần nào đó câu chuyện đổi mới.
Rõ ràng, nếu xét trên bình diện tính mới về công nghệ và tầm ảnh hưởng, hiệu quả về mặt thị trường, Innovation không chỉ có Disruptive (Đổi mới đột phá, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới trên một thị trường có sẵn) mà còn có cả Incremental (cải tiến nhỏ, liên tục trên sản phẩm, dịch vụ), Sustaining (cải tiến vượt trội và liên tục trên sản phẩm để giữ vị trí dẫn đầu), Radical (đổi mới táo bạo về công nghệ tạo ra thị trường mới). Những dạng thức của đổi mới sáng tạo thế này được tìm thấy rất nhiều ở doanh nghiệp, doanh nhân, nhà khoa học và rất nhiều cá nhân khác. Tôi còn nhớ những năm 2013-2014, khi tôi tham gia giám khảo cho chương trình Nhà sáng chế trên VTV2, những nhà sáng chế đạt giải cao nhất, giải pháp hữu hiệu nhất, rất nhiều trong số đó đến từ bác nông dân, gắn liền đồng ruộng.
Do đó, tôi tin rằng, tinh thần đổi mới sáng tạo có thể đến từ bất cứ đâu, ở bất kỳ ai chỉ là khác nhau về dạng thức mà thôi. Vì vậy, ngoài các nhân vật khách mời là những doanh nhân mang câu chuyện về sự đổi mới, tạo nên sự bứt phá cho doanh nghiệp bằng và thông qua innovation, chúng tôi cũng tạo cơ hội cho người xem có thể tương tác, phản hồi và đưa ra các ý tưởng mà có khi sẽ là khởi đầu cho những hạt mầm innovation nảy nở.
Trong thế giới kinh doanh, đổi mới không chỉ nằm trong công nghệ hay sản phẩm công nghệ mà còn là tinh thần khởi nghiệp, cải tiến, khát vọng và sự táo bạo của doanh nghiệp từ khi họ còn là quy mô nhỏ đến khi lớn hơn. Đổi mới và sáng tạo là hai yếu tố giúp dẫn dắt doanh nghiệp đi lên.
- Chị và người dẫn chương trình đồng hành sẽ truyển tải những thông điệp gì?
- Tôi kỳ vọng thông qua The Next Power, không chỉ là một khái niệm hay thuật ngữ, Innovation sẽ trở nên gần gũi và "đời" hơn. Các khán giả khi xem chương trình có thể thấy rằng innovation không phải là cái gì quá to tát mà có thể đến từ những cách tư duy, cách làm, từ những quy trình nhỏ nhất. Không phải doanh nghiệp có nhiều tiền mới làm Innovation tốt. Innovation cần có tiền nhưng tiền không phải là tất cả cho sự thành công với con đường này.
Những câu chuyện trong The Next Power là những câu chuyện của innovation, có thành công thật, có trả giá, có điều hài lòng, có điều tiếc nuối, có thể đắng nhưng rất đáng. Hy vọng những chia sẻ chân thật từ những nhân vật khách mời của chúng tôi sẽ giúp những doanh nhân, những nhà đổi mới, các nhà khởi nghiệp hay các bạn trẻ có thêm động lực, hiểu thêm cách làm, góp thêm kinh nghiệm và thêm niềm cảm hứng khi lựa chọn con đường rất riêng của mình trong thế giới đầy sắc màu của innovation.
Đồng thời, tôi hy vọng tất cả các doanh nghiệp, tất cả các startup khi xem chương trình không chỉ để học hỏi như đã nói ở trên mà còn tìm thấy cơ hội hợp tác. Theo đó, họ có thể nhìn thấy cơ hội để trở thành đối tác hợp tác hoặc cung cấp giải pháp giúp cho quá trình innovation của các doanh nghiệp trong chương trình trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn.
- Những gương mặt tham gia vào chương trình đều là những tên tuổi đã có tầm ảnh hưởng. Trong vai trò người dẫn chương trình, chị sẽ có những phương pháp gì để lấy những câu chuyện hay từ doanh nghiệp để mang đến cho khán giả?
- Một điểm thuận lợi của tôi là làm việc trong ngành đã lâu, tham gia vào các Hiệp hội nên có những hiểu biết nhất định về hoạt động của doanh nghiệp khách mời và những thành quả trong innovation riêng của doanh nghiệp họ. Trước khi lên kịch bản, tôi cần phải tìm hiểu rất kỹ câu chuyện, "lát cắt" đắt giá mà khách mời sẽ chia sẻ và tạo ra nhiều giá trị hay cho khán giả.
Bên cạnh đó, cũng là doanh nhân nên anh Lê Trí Thông và tôi đều có yếu tố rất quan trọng là sự thấu hiểu. Với khách mời, không dễ để nói ra về những thành công, thất bại mà họ đã trải qua trên chặng đường mang tên innovation vốn rất nhiều ẩn số và kinh nghiệm đau thương. Với sự thấu hiểu, câu chuyện mà host và khách mời chia sẻ trong chương trình là cuộc trò chuyện của những người bạn, những người thân.
Ngoài ra, cũng từ sự thấu hiểu ở trên mà các Host sẽ không ngại "hỏi xoáy đáp xoay" mà không lo sẽ có sự e ngại từ khách mời. Sự linh hoạt, cởi mở sẽ là tinh thần trước các cuộc trò chuyện.
- Thông qua chương trình, chị có gửi gắm lời khuyên gì cho các bạn trẻ về tinh thần đổi mới, học hỏi?
- Khi mình nghĩ thế giới này thay đổi quá nhanh và mình không muốn bị bỏ lại phía sau thì tinh thần học hỏi chính là thứ sẽ giúp mình tiến lên. Học hỏi không chưa đủ, còn phải thực hành và rút kinh nghiệm để rồi tự tìm ra lối đi riêng nữa. Mỗi khi mỏi mệt hoặc muốn dừng lại, mình càng phải đi ra bên ngoài, càng phải tìm kiếm động lực để thích ứng. Tôi vẫn tự nhủ với bản thân, nếu một ngày bạn muốn đứng lại, thì thực ra đó là bạn đang đi lùi do tất cả mọi người đều đang tiến về phía trước.
Không dễ gì sắp xếp lại được bàn cờ, nhưng sẽ luôn có cơ hội cho những bàn cờ, môn thi đấu khác với cách thi đấu khác. Thời điểm bây giờ, giỏi lĩnh vực của mình không chưa đủ mà còn phải học thêm nhiều lĩnh vực bổ trợ khác nữa . Với quỹ thời gian có giới hạn, chúng ta sẽ cần chọn lọc học những gì có giá trị. Tôi hy vọng chương trình The Next Power cũng là một nguồn thông tin giá trị để các bạn có thể học, hỏi và cả hành.
Đào Nguyên