18h00
Sau khi mua vé xem bộ phim được đánh giá cao, Bi đừng sợ (đạo diễn Phan Đăng Di), tôi lang thang quanh sân Trung tâm chiếu phim Quốc gia (Hà Nội), lòng vui khi thấy cách tổ chức: nhà gửi xe, cửa vào tương đối thoáng đãng, hợp lý. Tôi leo lên tầng hai, dùng một cốc nước giải khát, đọc sách chờ đến giờ vào phòng chiếu phim.
Vẫn một cảm giác vui hứng đi xem phim.
Một cảnh trong phim "Bi, đừng sợ". |
18h45
Tôi đến trước cửa phòng chiếu số 2.
“Xin vui anh chờ, khách chưa ra hết”.
18h50
Tôi bước vào phòng chiếu, hai hướng dẫn viên chi chỗ cho tôi. Lịch sự, chuyên nghiệp. Phòng chiếu rất rộng. Đẹp!
18h55
Tôi đưa mắt quanh phòng, sao buồn vậy, chỉ có khoảng 30 người xem. Phim hay vậy cơ mà! Tôi hơi thất vọng.
19h00
Bắt đầu phim. Đúng giờ quá!
Bi, đừng sợ - Bi, n’aie pas peur. Đạo diễn Phan Đăng Di.
Một số người nhấp nhỏm chuyển dịch chỗ trên mấy hàng ghế trước. Người cầm bỏng ngô, người cầm cốc nước. “Xin mời ngồi xuống đi, phim đã bắt đầu rồi!” – Tôi thầm nói.
Ghế của tôi hàng K, số 11, đoạn giữa phòng chiếu. Tôi đến rạp chiếu một tiếng trước giờ chiếu phim. Khi đến quầy mua vé, tôi đã xin cô bán vé chỗ ngồi ở những hàng đầu, nhưng tôi vẫn chỉ có chỗ hàng K. Tôi đã nghĩ chắc phim hay, mọi người đến trước đã lấy hết hàng đầu.
Một số người vẫn nhấp nhỏm và đằng sau tôi vang lên tiếng rả rích của bỏng ngô. Cả 9 hàng ghế trước tôi hầu như trống không. Tôi nhẹ nhàng lên ngồi ở ghế đầu hàng E.
Từ trái sang: Phan Thành Minh (vai Bi), NSND Trần Tiến (vai ông của Bi) và Hoa Thúy (vai cô của Bi). |
Hoa Thúy – Người cô, Kiều Trinh – Người mẹ.
Khán giả vẫn tiếp tục vào phòng chiếu. Họ loay hoay không biết ngồi đâu mặc dù có số ghế. Những ánh đèn pin lướt nhanh qua mặt tôi, vô tình thôi, người dẫn đường chỉ có ý định soi sáng lối đi cho những khách đến muộn (ánh sáng của phòng chiếu đã tắt, ánh sáng của phim đâu đủ để tìm chỗ). Tôi cũng cảm thấy áy náy vì đã “tự cho phép” chuyển từ hàng K lên hàng E. Tôi chỉ sợ người đến sau sẽ đòi lại chỗ mà tôi đang chiếm đoạt.
NSND Trần Tiến – Người Ông, Hà Phong - Người Bố, Phan Thành Minh, Bi.
Phòng chiếu có vẻ đông đúc hơn. Người xem vẫn tiếp tục vào. Tiếng xì xào vẫn còn đây đó. Tiếng lạo xạo của túi nylon. Tiếng rí rách của bỏng ngô. Tiếng động của nhà máy nước đá đang vào ca làm việc (một cảnh trong phim). Tiếng của các nhân vật trong phim. Tiếng nhạc nền.
Tôi vươn người dựa cằm vào hàng ghế trước, cố tập trung dòng suy nghĩ vào diễn biến bộ phim.
19h20
Khán giả vẫn tiếp tục vào phòng chiếu phim. (Phim hay mà, muộn 20 phút cũng đáng để xem!). Một đoàn khoảng gần chục người, tay túi, tay bỏng ngô đứng ngay trên hàng lang hỏi bâng quơ. “Ơ, phim Việt Nam à?”
Tại sao có người vào phòng chiếu phim rồi mà vẫn chưa biết là mình đang xem phim gì! 40,000 đồng một vé vào cửa đấy!
Phải sau 30 phút trôi qua tôi mới bình tâm để xem tiếp phim. Hy vọng không còn ai vào phòng chiếu nữa. (Phan Đăng Di, cầu ước anh sẽ không bao giờ bị tra tấn trong phòng phim như ngày hôm nay!)
Chưa hết, cứ mỗi cảnh quay hơi “trần tục”, một số (đông) khán giả lại ồ lên cười!
Cảnh người cô của Bi (cô giáo) nhìn bối rối trước cái đẹp của người “đàn ông” (chàng sinh viên) khi đi xe khách hay qua trận bóng đá dưới mưa làm mọi người cười. Tôi còn nghe thấy ai đó nói: “Cô với chả trò”. Trong số khán giả, có ai đó đã ngồi im, theo dõi để thấy được ý nghĩa của sự cô đơn như những chiếc lá khô ướp, cái lạnh lẽo của những viên đá, cái thèm khát trần tục (quên đi cái trần truồng) của đời thường? Đã đành là ai cũng được tự do suy nghĩ !
Khán giả cười khi thấy ông của Bi (xin đạo diễn và những ai đã xem bộ phim cho phép dùng nhân vật Bi làm tâm điểm) nằm xoài, gần như hồn sắp lìa thân, nhìn những giọt nước đá đang chảy từ trên giường của ông lăn xuống nền nhà vô giác?
Tôi đã từng nhìn thấy những giây phút cuối của một cuộc đời, người sinh ra tôi, quằn quại đau đớn vì bệnh tình, những viên đá nhỏ lặng câm cũng đã giảm đi được nỗi đau của ông. Những viên đã sẽ tan ra nước, sẽ trở về với đất, sẽ ngấm vào lòng đất và tan biến như một vòng đời.
Cuối phim, người mẹ dẫn Bi ra thăm mộ ông nội của Bi, một kết thúc rất hay. Một vòng đời đã qua đi được một năm, những vòng đời khác vẫn còn tiếp diễn. Chơi vơi như tiếng khóc nấc lên bên nấm mồ của người mẹ. Vô tư với những cánh chuồn bay của Bi. Trống vắng vì ta không được chia tay với bố của Bi. Cô đơn vì ta không được nhìn lại nét đẹp mà buồn sâu kín của người cô. Và cũng thanh thản vì nấm mộ đã bắt đầu lên cỏ xanh.
Nguyễn Hà Phong vào vai bố của Bi. |
Đang xáo trộn với dòng suy nghĩ và lắng nghe những nốt nhạc (xin lỗi Vũ Nhật Tân) thì các ánh đèn của phòng chiếu bừng sáng, hai cửa ra vào rộng mở. Bốn nhân viên giữ rèm chờ khách ra. Nhiệt tình, tận tụy thế là cùng! Lại còn được cảm ơn tạm biệt với một giọng ngọt ngào nữa: "Cảm ơn quí vị đã đến xem phim tại…"
Thật tiếc cho những ai đã đóng góp cho sự "ra đời" (không dám nói đến sự thành công) của bộ phim.
"Nhà rạp" có biết được những đạo diễn đã phải vắt óc để tìm được kết cục bộ phim. Đôi khi chỉ là màn hình trắng (hoặc đen) với nền nhạc (hoặc âm thanh) cũng đủ để kéo người xem đến một tâm trạng tiếp theo? Xin đừng quan tâm quá mà mời "khách hàng" ra quá sớm vậy. Kẻ đứng, người chen chân để đi ra cửa càng nhanh càng tốt.
Tôi bàng hoàng không muốn rời phòng chiếu. Vỏng vọng bên tai là những "câu kết" của các khán giả xem phim buổi hôm đó.
"Ơ, hết rồi à?"
"Chả hiểu gì cả!"
"Khó hiểu nhỉ?"
Lòng buồn trĩu vì tôi thấy phim rất hay, rất "nghệ", rất thành công. Tôi đi lang thang dọc theo phố Láng Hạ rồi vẫy taxi đi về hướng “trung tâm văn minh: Hồ Hoàn Kiếm”.
Tôi chỉ muốn gửi một nhắn tin đến Phan Đăng Di: "Di ơi, đừng sợ".
Phiphi