Chiều 21/10, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó THPT Nguyễn Hữu Huân cho biết, trường đã nộp danh sách 2.039 học sinh đăng ký tiêm vaccine về Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức. Việc này được thực theo yêu cầu chung của ngành giáo dục là lấy ý kiến của phụ huynh, học sinh, thống kê các em từ 12 đến 17 tuổi để tiêm vaccine khi có kế hoạch.
Thông tin thu thập gồm địa chỉ nơi ở mới nhất, số điện thoại liên hệ, bệnh lý... phân loại theo từng phường, quận. Học sinh có bệnh nền được lọc thành danh sách riêng để cơ quan y tế dễ theo dõi và quyết định tiêm ở bệnh viện hay điểm công cộng.
Ngoài ra, trường cũng tập hợp phiếu đồng ý tiêm chủng có chữ ký của phụ huynh hoặc người giám hộ. "Có 4 phụ huynh chưa đồng ý tiêm vaccine, 19 phụ huynh đồng ý nhưng vẫn e ngại khi chưa rõ loại vaccine được sử dụng", ông Bình cho biết.
Tương tự, THPT Giồng Ông Tố đã thống kê, nhập mã nơi cư trú cho hơn 1.500 học sinh đăng ký tiêm gửi về Phòng Giáo dục TP Thủ Đức, kèm theo ý kiến của từng phụ huynh. THPT Lê Quý Đôn gửi về Phòng Giáo dục quận 3 hơn 1.200 học sinh trong diện tiêm chủng, đồng thời gửi phụ huynh phiếu sàng lọc, phiếu đồng ý tiêm.
Ở khối THCS, nhiều trường cũng đã hoàn thành việc đăng ký tiêm chủng với các phòng giáo dục. THCS Minh Đức nộp danh sách hơn 1.600 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. THCS Nguyễn Du cũng lên danh sách và đề nghị phụ huynh cung cấp đầy đủ thông tin.
Các Phòng Giáo dục quận, huyện, cũng rốt ráo thống kê danh sách học sinh trong độ tuổi tiêm vaccine. Chẳng hạn Quận Bình Tân có gần 40.000 học sinh từ 12-17 tuổi, trong đó THCS là gần 28.000 em. Phần nhiều phụ huynh ở đây mong con được tiêm vaccine để đảm bảo an toàn khi trở lại trường, nhưng băn khoăn lớn nhất là loại vaccine được sử dụng.
"Trong thời điểm này, quan trọng nhất là thông tin đầy đủ đến phụ huynh về các biện pháp an toàn khi các em đến trường. Vaccine sẽ được chọn lựa kỹ và tốt nhất", ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Bình Tân nhận định.
Trường học là một trong những nơi được Bộ Y tế dự định sử dụng làm điểm tiêm chủng, bên cạnh việc tiêm tại địa bàn cư trú. Các trường hiện cũng sẵn sàng về cơ sở vật chất và nhân lực để đáp ứng các yêu cầu cần thiết.
Ông Tuyên cho biết, quận Bình Tân dự kiến tổ chức điểm tiêm tại các trường, mỗi nơi 2-3 bàn tiêm. Quy trình tiêm chủng thực hiện nghiêm ngặt theo các quy định của ngành y tế, đảm bảo giãn cách, thông thoáng.
Ông Phạm Phương Bình cho rằng, nếu học sinh được tiêm tập trung theo đơn vị trường học, việc thống kê, quản lý sẽ dễ dàng hơn. Trường THPT Nguyễn Hữu Huân đã khảo sát, bố trí phòng tiêm, phòng chờ, lực lượng tham gia điều phối nếu triển khai tiêm chủng.
Do nắm được danh sách theo đơn vị từng lớp, trường có thể phối hợp với ngành y tế phân luồng nhanh chóng, khoa học. "Sau khi tiêm xong, giáo viên cũng có thể theo dõi sức khoẻ cho các em. Khi cần thông tin để lên kế hoạch học tập trở lại, nhà trường cũng thuận lợi hơn", ông Bình nói.
Tương tự, ban giám hiệu THPT Nguyễn Du đã bàn với ban đại diện phụ huynh lên phương án tiêm chủng tại trường cho hơn 1.500 em. Theo đó, các em được phân theo khung giờ tiêm khác nhau để tránh tập trung đông. Mỗi lượt sẽ có 5 học sinh đến các bàn tư vấn sức khoẻ, sàng lọc và tiêm vaccine. Sau đó, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh lên các phòng học ngồi chờ, theo dõi sức khoẻ sau tiêm.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình cho biết, dự kiến quận có 27 điểm tiêm với 13 trường THCS, 10 trường THCS, 3 trường THPT và một trung tâm giáo dục thường xuyên. Hiện quận có 30 đội tiêm, nếu tổ chức đồng loạt có thể hoàn thành tiêm cho học sinh trong 1-2 ngày.
"Việc tổ chức tiêm tại trường sẽ có nhiều thuận lợi vì giáo viên đã có kinh nghiệm khi phối hợp, hỗ trợ trong chiến dịch tiêm chủng của thành phố", ông Huy nói.
Các trường cũng đang tích cực giải quyết khó khăn lớn nhất trong việc lên kế hoạch tiêm cho học sinh đang mắc kẹt ở quê. Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng THPT Thành Nhân cho biết, trường có 1.200 trong tổng số 1.500 học sinh vẫn đang ở quê. "Tôi đang lo liệu các em chưa được tiêm vaccine thì có đủ điều kiện vào lại TP HCM hay không. Vì ở nhiều tỉnh thành khác, việc tiêm chủng vẫn chưa đại trà", ông Độ nói.
Một mặt, trường vẫn lên danh sách tất cả học sinh đủ điều kiện, được phụ huynh đồng ý để gửi cho cơ quan quản lý. Mặt khác, trường gửi thư ngỏ đến từng phụ huynh, đề nghị đăng ký tiêm tại quê cho con nếu địa phương chấp thuận.
Ở chiều ngược lại, học sinh tỉnh thành khác đang kẹt ở TP HCM cũng được thống kê để tạo điều kiện cho các em tiêm chủng.
Bộ Y tế đã cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, theo lộ trình từ lớn đến nhỏ, ưu tiên lứa 16-17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Bộ đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10, nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.
Tại kỳ họp thứ ba HĐND TP HCM khóa X, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, việc tiêm vaccine cho trẻ em sẽ thống nhất thực hiện theo hướng dẫn, kế hoạch của Bộ Y tế. Tuy nhiên, TP HCM giữ nguyên tắc tự nguyện, tức tôn trọng lựa chọn của phụ huynh. Nếu triển khai tiêm cho trẻ, thành phố sẽ ưu tiên các em nguy cơ cao như béo phì, bệnh nền.
Ngày 20/10, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM công bố ba bộ tiêu chí an toàn tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Theo đó, yêu cầu quan trọng để trường học mở cửa là giáo viên, nhân viên phải được tiêm vaccine, không áp dụng điều kiện này với học sinh.