Theo kế hoạch của TP HCM, thêm bốn khối lớp sẽ học trực tiếp từ 4/1 cùng khối 9 và 12. Đây là đợt trở lại trường đầu tiên của lớp 7, 8, 10 và 11 sau gần 8 tháng học trực tuyến. Như vậy, sau đợt nghỉ Tết Dương lịch, Thành phố sẽ có hơn 600.000 học sinh học trực tiếp.
Các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã lên phương án cụ thể để đón các em. Tại THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8), hơn 1.300 học sinh ở ba khối được chia thành 26 lớp học trực tiếp. Trường dành 4 phòng dự trữ và một phòng cách ly phòng khi có F0, F1.
Hiệu trưởng Kim Nguyễn Quỳnh Giao cho biết, trường sẽ không tách lớp. Việc phân luồng khi học sinh đến, bố trí lệch giờ ra về được tiến hành theo kế hoạch cũ đã áp dụng với lớp 12. Trường mua thêm máy đo thân nhiệt và tăng cường nhân sự để kiểm soát việc ra vào của học sinh.
"Trong tuần đầu, học sinh khối 10 và 11 sẽ được củng cố kiến thức đã học trực tuyến, chuẩn bị cho kiểm tra học kỳ I diễn ra ngày 10-22/1", cô Giao nói.
Theo cô Giao, điều trường lo và có phương án chuẩn bị kỹ nhất là vấn đề nhân sự và sắp xếp thời khóa biểu. Từ đầu đợt dịch đến nay, nhà trường có 10 giáo viên, nhân viên F0, hiện đã khỏi bệnh. "Nếu trong thời gian học trực tiếp, chẳng may có thầy cô thành F0, trường sẽ phân giáo viên dạy thay, đảm bảo các tiết học diễn ra bình thường", cô Giao cho biết.
Ngoài ra, trường Nguyễn Văn Linh cũng tính các phương án xếp thời khoá biểu khác nhau trong điều kiện địa phương thay đổi cấp độ dịch, để việc học của các em không bị xáo trộn nhiều.
Tương tự, nhiều trường THCS, THPT khác cũng áp dụng các phương án đã thực hiện trong thời gian thí điểm dạy trực tiếp cho khối 9 và 12.
THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) dự kiến kịch bản chi tiết trong một ngày cho tất cả học sinh. Ngày 4/1, trường tập huấn phương án phòng, chống dịch cho khối 10 và 11. Buổi sáng, khối 10 học trực tiếp, khối 11 học online; đến buổi chiều thì ngược lại. Riêng khối 12 vẫn học theo thời khoá biểu cũ.
Tại THPT Nguyễn Du (quận 10), ban giám hiệu cho hơn 1.500 học sinh chia thành hai ca học trực tiếp. Buổi sáng, khối 12 và một nửa khối 10 đến lớp, nửa khối 10 còn lại và khối 11 học trực tuyến. Buổi chiều, lịch học đảo ngược. Ngày 31/12, học sinh khối 10 và 11 đã đến trường để tập huấn phương án chống dịch và nghe phổ biến kế hoạch học tập nên các em sẽ học buổi đầu tiên từ 4/1.
Tại một số trường có khuôn viên rộng, nhiều phòng học, nhà trường chọn cách tách đôi lớp. Việc này nhằm đảm bảo an toàn tốt nhất cho học sinh, đồng thời giúp phụ huynh yên tâm hơn.
Chẳng hạn, THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè) tách đôi lớp, bố trí khối 8 và 9 học buổi sáng, khối 7 học buổi chiều. Hiệu trưởng Dương Công Lý, cho biết, trường sẽ có các lớp online riêng cho từng khối, phục vụ học sinh không thể đi học.
Từ ngày 4 đến 10/1, trường tập trung ôn tập, củng cố kiến thức cho ba khối để kiểm tra học kỳ I. "Sau những tuần đầu, nếu tình hình ổn định, trường sẽ dồn lớp lại như cũ để việc học trở về bình thường", thầy Lý cho biết.
Trong kế hoạch mở rộng dạy trực tiếp từ 4/1, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ được phép cho toàn bộ học sinh khối 1-12 đến trường. Với cơ sở vật chất tốt, rộng rãi, hai trường Tiểu học Thạnh An và THCS - THPT Thạnh An cũng sẵn sàng đón tất cả học sinh trở lại.
"Trường có 288 học sinh ở 7 khối. Hiện giáo viên và học sinh đều bình thường, không có trường hợp F0, F1. Mọi phương án chống dịch được thực hiện như cũ", thầy Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng THCS - THPT Thạnh An, cho biết.
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, từ 4/1, các trường chủ động sắp xếp thời lượng dạy học trực tiếp. Cùng một thời điểm, số lượng học trực tiếp không quá 50% tổng số học sinh. Với các trường dạy học cả ngày (bán trú), giờ học trên lớp không quá 8 tiết mỗi ngày.
Sở khuyến khích các trường sử dụng thời khóa biểu linh hoạt, phối hợp giữa dạy trực tiếp và online.
Trong ba tuần thí điểm từ 13 đến 31/12/2021, 478 trường THCS, THPT đạt tỷ lệ học sinh đến trường là hơn 96%. Hơn 50 trường chưa tổ chức dạy trực tiếp, chủ yếu ở huyện Củ Chi và một số trường ngoài công lập.