Ngày 27/1, giáo viên, nhân viên Mầm non 2/9 (huyện Hóc Môn) được huy động vệ sinh khuôn viên trường học để chuẩn bị đón trẻ. Ban giám hiệu đã họp tất cả giáo viên, phân công nhiệm vụ, lên phương án dạy học và đảm bảo an toàn. Kịch bản nếu phát hiện F0 trong trường được đặt ra và diễn tập.
Theo Hiệu trưởng Ngô Thị Chí Hiếu, hiện có hơn 50% trong số 518 phụ huynh khối mẫu giáo đồng ý cho con đi học. Tỷ lệ này ở khối nhà trẻ là hơn 80%. Thời gian đầu, trường tổ chức bán trú nhưng không có ăn sáng nhằm đảm bảo an toàn, theo hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo cô Hiếu, khó khăn lớn nhất của trường mầm non khi mở cửa là thiếu kinh nghiệm thực tế trong việc ứng phó, xử lý với dịch bệnh.Tuy nhiên, lợi thế của bậc học này là được thừa hưởng các mô hình, biện pháp xử lý hay, hiệu quả từ các khối lớp đi học trước đó.
"Sau khi ổn định, nhà trường sẽ mở dần các lớp nhỏ hơn, tổ chức ăn sáng nếu được phép. Khi đó, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đi học chắc chắn sẽ tăng, bởi đây là nhu cầu cấp thiết", cô Hiếu nhận định.
Nhiều trường mầm non tranh thủ dọn dẹp khuôn viên, sửa cơ sở vật chất, mua máy đo thân nhiệt, máy rửa tay sát khuẩn. Một số trường tổ chức lấy lại ý kiến của phụ huynh về việc cho con đi học để lên danh sách cụ thể.
Với khối tư thục, quyết định mở cửa bậc mầm non là tin vui được chờ đợi 8 tháng qua. Phương án dạy học, phòng chống dịch được chuẩn bị và cơ bản đã hoàn thiện theo hướng dẫn của bộ tiêu chí an toàn trường học. Song khó khăn lớn nhất của trường tư thục hiện là thiếu nhân sự. Ông Nguyễn Minh, chủ một trường mầm non ở Bình Thạnh đã đăng tin tuyển nhân sự, sau khi 20% giáo viên thôi việc sau đợt dịch kéo dài. Nhiều giáo viên, bảo mẫu bỏ nghề hoặc về quê sau hơn 8 tháng thất nghiệp.
Theo khảo sát của trường, khoảng 70% phụ huynh đồng ý cho trẻ đi học, số còn lại sẽ nhập học vào đầu tháng 3. "Khi mở cửa sẽ khó tránh khỏi xuất hiện F0. Nhà trường đã lên phương án phối hợp với trạm y tế phường để xử lý, khuyến khích phụ huynh tự test nhanh và báo kết quả hàng tuần", ông Minh cho biết.
Ở bậc tiểu học, phần lớn trường dự kiến mở bán trú, dạy hai buổi. Các trường mở nhiều cổng đón học sinh vào đầu giờ học để tránh tập trung đông người, bố trí lệch giờ về giữa các lớp.
Thầy Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 4) cho biết, trường đã xây dựng xong phương án hoạt động, chờ cấp thẩm quyền phê duyệt. Trước kỳ nghỉ Tết, giáo viên sẽ được tập huấn phương án phòng dịch, xử lý F0.
Với hơn 600 học sinh, trường Nguyễn Thái Bình dự kiến mở bán trú từ tuần thứ hai. Hoạt động vào giờ nghỉ trưa sẽ được ban giám hiệu tính toán lại để đảm bảo khoảng cách tối thiểu một mét theo bộ tiêu chí an toàn. "Hiện còn 50 phụ huynh phân vân, chưa đồng thuận. Chúng tôi sẽ tư vấn với phương án đón trẻ cụ thể để cha mẹ yên tâm cho con đến trường", thầy Phong nói.
Dự kiến, trong tuần đầu sau kỳ nghỉ Tết, trường sẽ họp phụ huynh để phổ biến kế hoạch dạy học. Ngày 14/2, trường mở cửa đón học sinh, giúp các em làm quen với trường lớp, hướng dẫn cách phòng chống dịch. "Tuần đầu tiên, chúng tôi chưa dạy bài mới ngay mà chủ yếu cho các em ôn tập. Các hoạt động thể dục sẽ được tăng cường, giúp các lấy lại tinh thần và thể trạng tốt nhất", thầy Phong cho biết.
Tương tự khối mầm non, nhiều trường tiểu học thiếu nhân sự, nhất là giáo viên bán trú để chăm sóc trẻ. Các trường đang kêu gọi bảo mẫu, nhân viên phục vụ trở lại công việc, ký hợp đồng lao động sau Tết.
Với bậc trung học, kế hoạch dạy học và phòng dịch không thay đổi nhiều. Các trường THPT giữ nguyên thời khoá biểu cũ, đồng thời mở dần hoạt động bán trú. Trường THCS đón thêm lớp 6 nên phải sắp xếp lại ca học.
Tại trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè), khối 7-8 được học sáng, khối 6, 9 học buổi chiều. Ở khối 6, hơn 70% trong tổng số 300 phụ huynh đồng ý cho con đi học. Những em chưa đến trường sẽ được bố trí học online như học kỳ I.
Hiệu trưởng Dương Công Lý cho biết, trường chưa tổ chức bán trú, học hai buổi trong những tuần đầu. Khi việc học của bốn khối ổn định, trường mới mở dần hai hoạt động này theo nhu cầu của phụ huynh.
Hiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Y tế các quận, huyện đang thẩm định phương án đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại từ 14/2 tại một số trường. Hoạt động tiếp tục diễn ra sau kỳ nghỉ Tết và kết thúc trước 10/2 để các trường được phép mở cửa.
Kết quả thăm dò sự đồng thuận của phụ huynh ở bậc mầm non, tiểu học, theo tổng hợp từ các địa phương khá cao. Ví dụ, ở quận 7, tỷ lệ đồng thuận ở bậc mầm non và tiểu học lần lượt là 50% và 79%; tỷ lệ này ở quận 1 là 59% và 81%.
Hôm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn cho hơn 8.000 cán bộ, giáo viên các trường về phương án phòng chống dịch, tổ chức bếp ăn, bán trú, nội trú.
TP HCM cho phép bậc mầm non, tiểu học và khối 6 học trực tiếp từ 14/2, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ. Đây là những khối còn lại được học trực tiếp, sau khi khối 7-12 đã đến trường từ giữa tháng 12/2021.
Sau một học kỳ gián đoạn vì Covid-19, khoảng 1,7 triệu học sinh toàn thành phố sắp được đồng loạt đến trường.