Cũng như nhiều trường học trên cả nước, học sinh Tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức (Thanh Oai, Hà Nội) đang trong giai đoạn kiểm tra học kỳ I. Với kinh nghiệm tổ chức online từ năm ngoái, nhà trường chủ động áp dụng nhiều biện pháp giúp hạn chế gian lận.
Hiệu trưởng Phạm Thị Tâm cho hay bên cạnh ý thức của học sinh, nhà trường chú trọng từ khâu ra đề đến coi thi, đánh giá sau thi nhằm đảm bảo kết quả sát với thực chất nhất.
Cách thức ra đề thay đổi. Chẳng hạn ở môn Tiếng Việt lớp 4 và 5, trường đưa ra ba đề bài để học sinh lựa chọn, trong đó trọng tâm yêu cầu là nêu ý kiến trước một vấn đề nào đó như "Khi thực hiện 5K để phòng chống dịch, em gặp những khó khăn gì", "Em nghĩ sao về việc xả rác ra môi trường", "Em nghĩ gì về câu nói Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình". Với lớp 2, ngoài viết đoạn văn ngắn, các em có thể vẽ một bức tranh liên quan gửi kèm trong bài kiểm tra Tiếng Việt.
"Bài làm của mỗi con sẽ khác nhau và khác với những gì trong sách vở nhưng giáo viên vẫn đánh giá được kỹ năng, tư duy của học trò", cô Tâm nói.
Đề thi cũng được giảm tải và điều chỉnh độ khó để giảm áp lực cho học sinh. Theo đó, tỷ lệ câu hỏi ở mức trung bình tăng từ 50% lên 60% so với khi kiểm tra trực tiếp.
Đối với khâu coi thi, trường bố trí hai giáo viên và một phụ huynh làm giám thị cho mỗi buổi kiểm tra. Giáo viên coi thi chéo khối. Phụ huynh tình nguyện được huy động làm giám thị số 3, quan sát cả giáo viên và học sinh trong lớp.
Sau buổi kiểm tra, phụ huynh được tham gia nhận xét đề, thái độ của học sinh khi làm bài và gửi phản ánh đến nhà trường. Giáo viên chấm bài xong, nếu thấy kết quả của học sinh chênh lệch lớn so với kiểm tra thường xuyên, sẽ cân nhắc lại toàn bộ quá trình để quyết định cho học sinh kiểm tra lại hay không.
"Phụ huynh được báo cáo kết quả học tập của con hàng tuần, tháng nên khi có sự chênh lệch điểm thi, họ rất ủng hộ kiểm tra lại", cô Tâm chia sẻ. Ngoài Toán và Tiếng Việt, các môn khác như Tự nhiên và Xã hội được đánh giá theo dự án học tập.
Cách làm của trường Xanh Tuệ Đức bám sát quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh tiểu học, THCS và THPT. Việc tổ chức kiểm tra đánh giá lại khi học sinh có điểm định kỳ cao hoặc thấp bất thường so với đánh giá thường xuyên cũng là lưu ý được Vụ trưởng Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành đưa ra. Đây là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo kết quả kiểm tra trung thực, chính xác và sát với năng lực người học.
Cũng để hạn chế gian lận thi cử, THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa) đầu tư công nghệ, mua bản quyền phần mềm để có những tính năng hữu ích với kiểm tra trực tuyến.
Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm cho biết học sinh được cấp tài khoản Office 365 mang tính định danh, sau đó truy cập vào hệ thống để làm bài. Đề thi được đảo thứ tự câu giữa từng em, tránh quay cóp, trao đổi. Ngoài ra, học sinh chỉ được mở một cửa sổ (tab) trên một trình duyệt duy nhất. Nếu mở thêm, bài thi sẽ tự động thoát khỏi hệ thống.
Nhờ mua bản quyền phần mềm, các buổi kiểm tra của trường từng diễn ra suôn sẻ. Khi học sinh gặp trục trặc về đường truyền, không truy cập làm bài được, hệ thống sẽ thống kê và truy vết thời gian các em gặp lỗi. Từ đó, giáo viên có căn cứ để bù giờ hoặc kiểm tra lại vào thời điểm khác.
Ngoài ra, nhà trường cũng đầu tư xây dựng ngân hàng đề thi với hàng trăm câu hỏi ở mỗi môn. Đề thi được thiết kế theo hướng tiếp cận năng lực, tư duy để học sinh không học vẹt.
Dù vậy, thầy Nhâm cho rằng nền tảng công nghệ hay một ngân hàng câu hỏi đủ lớn cũng không thể ngăn chặn triệt để gian lận thi cử. "Biện pháp chống gian lận hiệu quả nhất vẫn là giáo dục cho học sinh tính tự giác, kỷ luật", thầy Nhâm nói. Theo thống kê năm trước ở trường Phan Huy Chú - Đống Đa, kết quả thi online không chênh lệch nhiều với chất lượng kiểm tra trực tiếp.
Ở bậc tiểu học, đặc biệt với học sinh lớp 1-2, một số hiệu trưởng cho rằng tính chính xác của bài kiểm tra phụ thuộc nhiều vào phụ huynh. Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa), cho biết trước kỳ thi, ngoài việc thông tin, hướng dẫn thao tác cho học sinh và phụ huynh, trường còn "làm công tác tư tưởng cho bố mẹ".
"Chúng tôi động viên phụ huynh không nên quá nặng nề chuyện điểm số. Các bài kiểm tra là công cụ giúp trường nắm bắt khả năng của các con, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp nên bố mẹ không cần nhắc bài hoặc làm hộ con", cô Hà nói.
Nhà trường đề nghị phụ huynh không ngồi cạnh con trong lúc thi, chỉ hỗ trợ truy cập trước khi phát đề. Cô Hà cho rằng trẻ tiểu học còn nhỏ nên cũng không xuất hiện các hành vi gian lận tinh vi. Nhiều em thấy bố mẹ chưa ra khỏi phòng còn tự "mách" cô hay chủ động nhắc nhở phụ huynh.
Cô Hà thông tin thêm ở kỳ thi học kỳ I diễn ra vào đầu tháng 1 tới, học sinh Tiểu học Khương Thượng sẽ làm phần trắc nghiệm trên Google Forms, sau đó viết chính tả, tập làm văn và toán tự luận trên giấy. Phụ huynh hoặc các em chụp lại bài làm và gửi cho cô qua Zalo.
Theo cô, với khối tiểu học, đặc biệt là lớp 1, ngoài kiến thức, giáo viên còn quan tâm đến việc đọc, viết, cách làm toán của các em. "Hình thức trắc nghiệm không thể phản ánh những yếu tố này, nên dù vất vả hơi thủ công một chút, chúng tôi vẫn duy trì kiểm tra tự luận trên giấy", cô nói.
Theo hướng dẫn của Bộ, các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường hướng dẫn kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến hay trực tiếp tùy vào tình hình thực tế. Địa phương có thể điều chỉnh linh hoạt thời gian kiểm tra sao cho phù hợp với kế hoạch triển khai năm học. Ngoài ra, Bộ cũng cho phép điều chỉnh khung thời gian năm học 2021-2022 phù hợp với thực tế.
Ở nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, TP HCM, hầu hết học sinh chưa được đến trường từ cuối năm học trước. Thay vì cho học sinh nghỉ rồi chờ đợi thời điểm thích hợp để triển khai kiểm tra học kỳ trực tiếp, năm nay, các nhà trường đều chủ động cho thi học kỳ online để đảm bảo hoàn thành kế hoạch học kỳ I trước ngày 15/1/2022.
Dương Tâm - Thanh Hằng