Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, ngày 2/10 cho biết như trên.
Cách đây 10 ngày, nhiều phụ huynh trường THPT số 3 Phù Cát phản ứng vì ban đại diện cha mẹ học sinh vận động thu tiền mua 7 tivi với giá 50 triệu đồng, dùng cho khối 10. Cùng lúc, trường THPT Nguyễn Hữu Quang (thị trấn Cát Tiến) vận động và thu được hơn 70 triệu đồng để xây dựng nhà xe cho học sinh.
Ông Tuấn đã yêu cầu trường THPT số 3 Phù Cát tháo tivi trả lại ban phụ huynh, còn trường THPT Nguyễn Hữu Quang dừng việc xây dựng, trả lại tiền.
"Việc ban đại diện cha mẹ học sinh tự đứng ra tự vận động hay có ý kiến của giáo viên, hiệu trưởng thì Sở sẽ kiểm tra và xử lý tiếp", ông nói.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục Bình Định, thời điểm đầu năm học, cha mẹ và gia đình học sinh phải chi nhiều khoản để mua sắm quần áo, sách giáo khoa, dụng cụ học tập... Vì thế, Sở đề nghị các trường không thu học phí trong tháng 9, mà giãn thời gian vào các tháng cuối năm để giảm bớt khó khăn cho người dân.
Quỹ phụ huynh là khoản đóng góp phổ biến tại các trường học.
Theo Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh từ sự ủng hộ tự nguyện và nguồn tài trợ hợp pháp khác. Trưởng ban này cùng với giáo viên chủ nhiệm lớp lên kế hoạch chi tiêu, chỉ sử dụng sau khi được toàn thể phụ huynh đồng ý. Việc thu, chi phải bảo đảm công khai, dân chủ; báo cáo quyết toán tại các cuộc họp phụ huynh.
Các khoản không được vận động phụ huynh quyên góp là: Bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh; trông coi phương tiện đi lại của học sinh; vệ sinh lớp trường, lớp; khen thưởng giáo viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...
Tuy nhiên, Thông tư 16 của Bộ cho phép cơ sở giáo dục vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để cải tạo sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình; mua sắm trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học. Việc này phải theo nguyên tắc tự nguyện, công khai, không quy định mức tài trợ bình quân hay tối thiểu. Các trường không lợi dụng để ép buộc đóng góp, không xem huy động tài trợ là điều kiện trong cung cấp dịch vụ giáo dục.
Phạm Linh