"Tiêm vaccine cho học sinh, thực hiện 5K trong lớp, chủ yếu là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và cách xử lý khi có F0, là 3 vấn đề cần chú ý khi mở cửa trường học", Thứ trưởng Tuyên nói tại cuộc Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục, chiều 8/11.
Đợt dịch thứ 4 ảnh hưởng sâu đến mọi khía cạnh, trong đó có y tế và giáo dục. Nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới là dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể kết thúc, chưa dự báo được thời gian tới có xuất hiện biến chủng mới hay không. Vì vậy, các nước chuyển từ "quyết tâm loại bỏ nCoV" sang chấp nhận có F0 trong cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội. Hiện, 105 quốc gia đã mở cửa trường học trở lại.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 28 tỉnh, thành phố tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh, thành phố với 337 quận, huyện đang học trực tuyến, học trên truyền hình. Số học sinh đang học trực tuyến là khoảng 6,7 triệu (cấp tiểu học chiếm 42,5%; THCS 74,3%; THPT 55,2%; Liên cấp 48,1%). Nhiều địa phương có kế hoạch mở cửa trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ ngày 15/11.
Các địa phương cũng đang tăng cường tiêm vaccine Covid-19 cho nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục. Một số tỉnh, thành như TP HCM, Bình Dương, Ninh Bình... đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh 12-17 tuổi.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng ở một số địa phương. Do đó, một số tỉnh, thành phố phải điều chỉnh kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh đi học trực tiếp. Một số trường học phải dừng hoạt động dạy học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình do xuất hiện chùm ca bệnh lây nhiễm trong trường (như ở Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hà Tĩnh...). Tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vaccine còn thấp (trung bình toàn quốc khoảng 62%).
Tại các tỉnh phía Nam, điều kiện cơ sở vật chất ở một số nơi chưa bảo đảm an toàn để đón học sinh tới trường. Trước đó, nhiều cơ sở giáo dục được trưng dụng làm nơi thu dung, điều trị, cách ly chưa được bàn giao cho ngành giáo dục để sửa chữa, vệ sinh, bảo đảm điều kiện an toàn cho học sinh đi học trở lại...
"Một số địa phương chưa thống nhất thực hiện biện pháp bảo đảm giãn cách trong nhà trường; tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh trong trường...", Phó Vụ trưởng Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Nho Huy, nói.
Hơn nữa, một số địa phương cũng chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện F0 trong trường học, dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.
Trước những khó khăn này, Thứ trưởng Tuyên đề nghị Sở y tế, Sở giáo dục tỉnh phối hợp rà soát lại các trường và ban hành kế hoạch mới phù hợp với bối cảnh "đã thực hiện Nghị quyết 128 và có tỷ lệ bao phủ vaccine tương đối cao, hơn 75% người 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1". Các địa phương đánh giá cấp độ dịch theo từng nơi, từng khu vực để quyết định hình thức học, đảm bảo yếu tố linh hoạt.
Tất cả trường ở mọi cấp học cần tiến hành rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo chống dịch của từng trường, xây dựng kịch bản xử lý khi trường xuất hiện F0.
Vấn đề chăm sóc học sinh tại địa phương là do y tế cơ sở, y tế học đường chịu trách nhiệm, cần chú trọng tập huấn về phòng chống Covid. Trong trường học, phải bố trí phòng y tế có người trực và phòng cách ly tạm thời để theo dõi, lấy bệnh phẩm, xét nghiệm.
"Từng trường phải chuẩn bị hai kế hoạch là phòng chống dịch chung và xử lý khi có trường hợp F0", ông Tuyên nói.
Ông Huy cũng cho biết Bộ giáo dục đang rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí, quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại trường học, ký túc xá; bổ sung hướng dẫn tại Sổ tay phòng chống Covid-19 trong trường học, để sớm đón học sinh trở lại.