Theo Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu, ở TP HCM hiện có 5 trường ngoài công lập ký hợp đồng đầu tư giáo dục với phụ huynh. Ông đánh giá các đơn vị này không tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và trường học.
"Hợp đồng dân sự giữa phụ huynh với chủ trường, chủ đầu tư cần tách rời với hoạt động trường học. Theo quy định của pháp luật, trường học chỉ tổ chức thu học phí định kỳ, không được ký kết hùn vốn, góp vốn, huy động vốn tiềm ẩn nguy cơ gây khó khăn cho công tác quản lý", ông Hiếu nói.
Chu kỳ học tập của học sinh có thể kéo dài 12-15 năm, ông nói. Trong thời gian đó, xã hội có nhiều biến động, giá cả thay đổi nên các hợp đồng hợp tác sẽ gây khó khăn cho cả phụ huynh lẫn nhà trường.
Đầu tuần này, Sở đã ra văn bản chấn chỉnh hoạt động các trường ngoài công lập. Động thái được đưa ra sau khi nhiều phụ huynh tụ tập đòi nợ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) hôm 21/9. Trường dạy chương trình tú tài quốc tế (IB), học phí dao động 280-725 triệu đồng một năm, tùy cấp học.
Một số phụ huynh cho biết ký hợp đồng cho trường vay 2 đến 10 tỷ đồng không lãi suất, không tài sản thế chấp. Bù lại, con họ được học miễn phí. Theo hợp đồng, sau khi học sinh tốt nghiệp hoặc chuyển trường, trường sẽ trả lại tiền gốc cho phụ huynh. Tuy nhiên, dù con đã chuyển trường hơn một năm, họ chưa được hoàn lại tiền.
Nhà trường cho biết khoản tiền đó là "đầu tư giáo dục", thừa nhận chưa hoàn được tiền cho phụ huynh khi đến hạn, và sẽ tái cơ cấu để trả dần trong những năm sau.
Từ góc độ pháp lý, một luật gia nhận xét việc vay và cho vay là giao dịch dân sự mà pháp luật không cấm. Đại diện Sở trước đó cho biết ngành không có quy định nào về việc vay mượn tiền giữa phụ huynh với nhà trường hoặc công ty quản lý trường, giao dịch không thuộc phạm vi ngành quản lý. Ông nhắc nhở phụ huynh phải cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích và rủi ro khi giao dịch.
Lệ Nguyễn