Người gửi: Nguyen Bich Ngoc
Cháu tôi, vừa thi hết lớp 5 tại một trường có tiếng thuộc quận Ba Đình. Khi cháu thi về, tôi hỏi làm được mấy điểm thì cháu reo lên: "Trúng bài đã làm rồi, dì ạ. Cháu được 10 điểm".
Tôi có con sắp vào lớp 1 và cũng rất băn khoăn trước thực trạng điểm số của học sinh tiểu học hiện nay. Thế hệ chúng tôi trước kia, lớp nào có tới 10 học sinh đạt loại giỏi là đáng nể lắm rồi. Đa số lớp chỉ có 2-5 học sinh giỏi, còn lại là tiên tiến và có khoảng 5-10 bạn xếp loại trung bình. Có những lớp có 1-2 học sinh yếu kém và những em này thường bị đúp, phải học lại vào năm sau.
Còn hiện nay thì sao? Hơn 90% số học sinh trong lớp đạt loại giỏi. Chị gái tôi cho biết, đi họp phụ huynh, học sinh nào bị nêu tên xếp loại tiên tiến thì bố mẹ em ấy thấy xấu hổ lắm.
Tôi rất hoang mang vì qua người quen, tôi đã xin được cho con vào một trường điểm của quận Hoàn Kiếm với hy vọng cháu được giáo dục trong môi trường tốt nhất (cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên và mặt bằng văn hóa học sinh). Nhưng tôi cũng không khỏi lo lắng về việc liệu có hay không trong các "trường điểm", vấn đề thành tích càng được đặt lên hàng đầu?
Con trai tôi, một đứa nhút nhát và chậm chạp liệu có chống chọi được với khối lượng kiến thức khổng lồ của chương trình tiểu học hiện nay trong môi trường “chạy theo thành tích” đó không? Nếu không thì sao? Nó sẽ bị liệt vào loại "con sâu làm rầu nồi canh" của lớp chăng, nếu bị xếp vào loại tiên tiến hay trung bình? Nếu xếp loại tiên tiến, chắc cháu vẫn được lên lớp 2. Còn nếu bị xếp loại trung bình, chắc tôi lại phải xin học cho con vào một "trường... không điểm"?
Người gửi: Ngoc Lieu
Chào chị Dung và các bạn đọc. Quả thật tôi cũng thật bức xúc với bệnh thành tích ngày càng nặng trong ngành giáo dục của ta. Tôi cũng có người em vừa học hết lớp 4. Trường của em tôi cũng chạy theo thành tích giống như trường của con chị Dung. Kỳ thi vừa rồi, em tôi rất tự hào vì đạt được danh hiệu học sinh giỏi, nhưng tôi thấy dường như em ngày càng coi chuyện học hành rất dễ dàng.
Các trường cho đề thi giống hệt như ôn tập, như thế có khác gì cho biết đề trước đâu. Không những thế, ở trường của em tôi còn cho mở vở trong khi thi, như lời em tôi kể hôm thi môn Toán về: "Các bạn không thuộc bài, cô cho mở vở xem công thức". Khi đó tôi nghi ngờ danh hiệu loại giỏi của em tôi có phải là năng lực thật sự không.
Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục thì các em sẽ bị mất căn bản trầm trọng. Mà kiến thức từ khi các em còn nhỏ là rất cần thiết. Đồng thời, các em còn có tính ỷ lại thầy cô, không còn ý chí phấn đấu. Thử hỏi sau này các em học lên cao sẽ vất vả thế nào?
Tôi còn người chị dạy THPT. Chị nói, học sinh bây giờ học kém hơn trước rất nhiều, đến nỗi một bài toán thật sự đơn giản, các em giải mãi không xong. Điều này nguyên nhân chính do đâu?
Tôi mong ngành giáo dục cải tiến hơn, đừng quá chạy theo thành tích, hãy đánh giá đúng năng lực của học sinh, và làm cho các em thấy được chuyện học là rất quan trọng ngay từ những năm tiểu học.