Khoa Vi Điện tử và Viễn thông giảng dạy các định hướng sau: Thiết kế vi mạch bán dẫn (IC Design), Công nghệ Mạng và Truyền thông tiên tiến, Hệ thống nhúng và IoT. Trong đó, thiết kế vi mạch là nội dung đào tạo chính nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện nghiên cứu về vi mạch, bán dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới.
Trường thiết kế chương trình của khoa Vi điện tử và Viễn thông nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp hội Máy tính Mỹ (ACM), Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ của Mỹ (ABET). Đồng thời, sinh viên có cơ hội tiếp cận các công cụ thiết kế, mô phỏng và đánh giá kiểm tra từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Synopsys, Cadence, Siemens (Mentor Graphics), Xilinx...
Sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể tham gia vào các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, đóng gói vi mạch trong hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam hoặc trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Trường Đại học CMC dự kiến hợp tác với các trường đại học hàng đầu về lĩnh vực vi mạch và bán dẫn tại Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Đây là ba trong số bốn quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu về công nghệ chip, bán dẫn toàn cầu.
Ngoài ra, trường cũng kết hợp với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để cung cấp chứng chỉ ngắn hạn từ 6 tháng đến 2 năm, chương trình đào tạo nâng cao, văn bằng hai, cao đẳng, đại học, sau đại học về vi mạch và bán dẫn.
Trước đó, Trường Đại học CMC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Synopsys - một trong những đơn vị sản xuất chip hàng đầu tại Mỹ. Tập đoàn này cung cấp chương trình đào tạo theo chuẩn toàn cầu và đào tạo giảng viên theo công cụ và quy trình thiết kế chuẩn công nghiệp của Synopsys. Ngoài ra, Synopsys sẽ kết nối trường với các viện nghiên cứu, đại học và doanh nghiệp về thiết kế vi mạch lớn trên thế giới.
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC cũng có cuộc gặp với đoàn lãnh đạo Nvidia - một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất chip bán dẫn cho công nghệ AI, qua đó, tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện của hai doanh nghiệp.
Hai đơn vị cam kết xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện lâu dài nhằm thực hiện các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, cùng xây dựng cộng đồng AI, gồm: nghiên cứu, startup, phát triển nguồn nhân lực AI chuyển đổi một triệu lập trình viên có khả năng ứng dụng AI tạo ra các giá trị mới, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành bán dẫn, ngành công nghiệp tỷ đô nhưng đang "khát" nhân lực toàn cầu. Lãnh đạo Tập đoàn Công nghệ CMC và Trường Đại học CMC nhận định, đây là thời cơ vàng để nhân lực Việt Nam học hỏi công nghệ, hướng tới quốc gia tự chủ sản xuất và đóng gói chip trong tương lai.
Ngay sau khi Chính phủ công bố "Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030", Tập đoàn Công nghệ CMC lên kế hoạch đẩy mạnh phát triển trong lĩnh vực thiết kế vi mạch (IC Design).
Trong đó, Trường Đại học CMC có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho tập đoàn nói riêng và ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói chung.
Ngoài ra, đơn vị đã bổ nhiệm TS. Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ CMC (CMC ATI) làm trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông. Ông là cha đẻ của bộ gõ Vietkey - sản phẩm đạt giải Nhất cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam". Tận trưởng khoa có hơn 19 năm công tác tại Viện Tự động hóa Kỹ thuật Quân sự, 15 công trình và đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ được bảo vệ thành công.
Trường kỳ vọng ông sẽ mang những kiến thức, kinh nghiệm dày dặn, góp phần phát triển chương trình đào tạo khoa, đặc biệt là lĩnh vực thiết vi mạch bán dẫn.
Nhật Lệ