Một buổi sáng đầy nắng ở Bogota, thủ đô Colombia, ba người phụ nữ mặc đồ tập thể dục dừng lại, nhìn chăm chú cảnh hàng tá đàn ông tụ tập quanh một chiếc xe tải tập thay tã cho búp bê. Một người mẹ trẻ đang đẩy con sơ sinh đi dạo liền lấy điện thoại ra chụp ảnh. Một người đàn ông lớn tuổi để ria mép đứng lại nhìn, lau kính mắt.
Đa số người đang học thay tã là đàn ông tuổi trung niên, cũng có một số người đã nghỉ hưu và một thiếu niên.
"Lần đầu thế này là khá rồi", Omar Jimenez, giáo viên dạy thay tã kiêm nhà tâm lý học, nói khi kiểm tra một con búp bê. "Nhưng anh có thể quấn chặt hơn một chút, nếu không chất lỏng có thể tràn ra ngoài".
Nghe xong, học viên Sergio Rivera gật đầu, vẻ mặt hơi thất vọng. Giống những người khác tham gia khóa huấn luyện ngắn ở phía nam Bogota, chàng trai 26 tuổi đang cố gắng rèn luyện kỹ năng.
"Thật là mới mẻ khi được học điều này", Rivera, người mắc chứng tự kỷ và được mẹ chăm sóc, nói. Bố mẹ anh ly hôn khi Rivera còn rất nhỏ, người vợ một mình nuôi hai con trai. "Tôi chưa từng được dạy thay tã khi còn nhỏ".
Học viên có 30 phút để tìm hiểu những kiến thức cơ bản như chơi đồ chơi với trẻ con, tết tóc cho vợ hay bạn gái. Khóa học nằm trong chương trình "Trường dạy Đàn ông cách Chăm sóc gia đình" do chính quyền thành phố tài trợ. Kể từ năm 2021, chương trình đã dạy đàn ông khắp thủ đô rộng lớn của Colombia cách trở thành người chồng, người cha, người anh, người em, người con tốt hơn.
Giới chức Bogota tin tưởng sáng kiến này sẽ hữu ích, giúp thay đổi chủ nghĩa gia trưởng, đồng thời khuyến khích đàn ông đóng góp công bằng vào việc nhà, nguồn gốc của tình trạng bất bình đẳng giới ở Colombia.
"Mẹ tôi đã lao động rất vất vả để nuôi nấng tôi", Rivera nói. "Nhưng không nên bỏ mặc công việc đó cho phụ nữ. Đàn ông chúng tôi cũng phải làm tròn vai trò".
Theo nghiên cứu của Tòa Thị chính Bogota, sáng kiến này bắt đầu phát huy ảnh hưởng tích cực. Khảo sát cuối năm 2023 cho thấy số lượng đàn ông và phụ nữ ở Bogota phân công việc nhà bình đẳng đã tăng lên so với 2021. Quan điểm về vai trò giới và trách nhiệm của đàn ông cũng thay đổi nhờ những người như giáo viên Jimenez.
Sau lần thứ hai học thay tã, nhóm chuyển sang học tết tóc. Ý tưởng cho bài học này là thúc đẩy đàn ông quan tâm vợ, bạn gái nhiều hơn. 4 ma nơ canh đội tóc giả màu nâu sẫm đặt dưới mái che cạnh xe của Jimenez. Chiếc xe đi vòng quanh thành phố để tổ chức các buổi học tương tự mỗi tuần một lần.
"Điều quan trọng nhất khi tết tóc cho phụ nữ là gì?" Jimenez hỏi.
"Ồ, nhớ phải rửa tay", một học viên hăng hái nói. "Chúng ta có nên đeo găng tay không?" một người khác hỏi với vẻ lưỡng lự.
"Đều rất hay", Jimenez nói. "Nhưng câu trả lời của tôi là: hãy tết tóc một cách dịu dàng".
Các học viên ồ lên, bắt tay vào tết tóc. Luis Martinez, công nhân xây dựng nghỉ hưu, đang đánh vật với bím tóc. Công việc cường độ cao khiến người đàn ông 67 tuổi hiếm có thời gian ở nhà cùng vợ và ba con trai. Nhưng bây giờ, ông đã rảnh và khóa học đã giúp ông biết làm thế nào để trở thành một người chồng tốt hơn.
"Tôi sẽ tết tóc cho vợ", Martinez nói, bàn tay đầy vết chai cầm những lọn tóc dài màu nâu thắt thành bím. "Cô ấy xứng đáng. Trước đây tôi đã thiếu quan tâm cô ấy".
Dự án nhằm cân bằng tình trạng bất bình đẳng giới ở Bogota. 1,2 triệu phụ nữ, tức khoảng 30% dân số nữ, làm việc nhà toàn thời gian mà không có thu nhập, trung bình 10 tiếng mỗi ngày. Nhìn chung, phụ nữ, kể cả những người đi làm có lương, dành trung bình 5 tiếng 32 phút mỗi ngày cho việc nội trợ, trong khi đàn ông là 2 tiếng 19 phút, theo khảo sát năm 2017. Nếu phụ nữ được trả lương cho số giờ chênh lệch, con số này sẽ chiếm 13% GDP của thành phố.
Theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Lao động Quốc tế (2018), trên thế giới có 647 triệu người trong độ tuổi lao động làm nội trợ hoặc chăm sóc người thân toàn thời gian. 606 triệu người, tức khoảng 94% số này, là phụ nữ.
Dữ liệu từ 88 quốc gia và vùng lãnh thổ do Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc thu thập từ năm 2001 tới 2017 cho thấy trung bình phụ nữ dành 18% thời gian trong ngày cho chăm sóc người thân và việc nhà, còn đàn ông là 7%. Ở một số khu vực như Bắc Phi và Tây Á, dữ liệu cho thấy thời gian phụ nữ làm nội trợ không lương nhiều gấp 6 lần đàn ông.
"Thế giới không thể hoạt động nếu thiếu họ", Clara Alemann, giám đốc chương trình tại Equimundo, tổ chức phi lợi nhuận quốc tế đấu tranh vì bình đẳng giới, nói. "Họ làm công việc cần thiết nhất để mọi công việc khác trơn tru. Tuy nhiên, công việc chăm sóc gia đình vẫn chưa được công nhận đúng mức".
Báo cáo Tình trạng Làm cha trên Thế giới năm 2023 của Equimundo cho thấy chính phủ các nước cần '"thúc đẩy đàn ông tham gia vào việc chăm sóc gia đình, ngăn chặn bạo lực giới, được dạy về giá trị của việc nội trợ, và thúc đẩy các mối quan hệ công bằng, phi bạo lực, chăm sóc lẫn nhau".
Đây là những vấn đề Tòa Thị chính Bogota đang làm. Bà Claudia Lopez, nữ thị trưởng đầu tiên của thành phố, đồng thời là người đồng tính, đã thúc đẩy dự án. Bà giúp Bogota trở thành một trong số ít thành phố trên thế giới dẫn đầu cuộc cách mạng trong nền kinh tế nội trợ.
Năm 2020, Bogota bắt đầu mở Trung tâm Hỗ trợ ở các khu dân cư, cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí cho người làm nội trợ, bao gồm giặt là, tư vấn pháp lý, giữ trẻ, hỗ trợ tâm lý, dạy ngoại ngữ, kiểm tra các bệnh lây lan qua đường tình dục, dạy yoga và khiêu vũ.
"1/3 phụ nữ ở Bogota cống hiến cả đời cho nội trợ, nhưng tới nay, họ không được gì", Diana Rodriguez, người phát triển sáng kiến dưới quyền của bà Lopez, nói.
Thành phố 7,5 triệu dân có 22 cơ sở hỗ trợ, dùng ngân sách công là 800.000 USD một năm và đặt mục tiêu tăng số cơ sở lên 45 vào năm 2035. Từ tháng 3/2021 tới tháng 12/2023, gần 250.000 người hưởng lợi từ chương trình, trong đó 37.000 người lấy bằng tốt nghiệp cấp ba và được đào tạo kỹ năng máy tính và tiếng Anh. Ước tính 38.000 phụ nữ và gia đình họ đã nhận khoản hỗ trợ khởi nghiệp để tăng cường năng lực làm việc.
Những người thực hiện chương trình này, trong đó có Rodríguez, tin rằng thúc đẩy vai trò của đàn ông trong việc nội trợ, chăm sóc gia đình, là thách thức lớn nhất và cũng là lý do Trường dạy đàn ông làm việc nhà ra đời.
"Phụ nữ sinh ra không mang sẵn ADN nội trợ", Juan Cortes, giám đốc trường, nói. "Đàn ông cũng phải học quét nhà, học tết tóc, học thay bỉm. Đây không phải vấn đề di truyền mà là vấn đề văn hóa".
Theo Cortes, trong thời kỳ Covid-19, hội đồng thành phố nhận được nhiều cuộc gọi tới đường dây nóng từ những người đàn ông bày tỏ thất vọng vì không thể chăm sóc gia đình sau khi người nhà ốm hoặc qua đời.
Nhiều người đã tiến bộ sau khóa học. Ferley Saenz, 40 tuổi, tài xế xe buýt có hai con trai, sau khi tham gia khóa học năm ngoái đã bắt đầu thường xuyên nấu cơm tối cho gia đình. Ông cũng cố gắng dành thời gian để trò chuyện với con dù kiệt sức sau giờ làm.
"Tôi đang cố gắng trở thành người bố tốt hơn", Saenz nói.
Hồng Hạnh (Theo CNN)