Ngày 9/4, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM và Đại Công nghệ Sydney, Australia, ký chương trình liên kết đào tạo cử nhân kỹ thuật quốc tế, theo mô hình giáo dục xuyên quốc gia (Transnational Education - TNE).
PGS.TS Phạm Trần Vũ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP HCM, cho biết sinh viên sẽ học toàn bộ chương trình cử nhân của Đại học Công nghệ Sydney trong vòng 3 năm tại TP HCM. Đội ngũ giảng dạy từ cả hai trường với tỷ lệ 1:1. Bằng tốt nghiệp do UTS cấp, được công nhận trên toàn thế giới.
"Sinh viên Việt Nam được tiếp cận chương trình giảng dạy của đại học hàng đầu thế giới mà không phải du học. Quy trình tuyển sinh đầu vào, kiểm soát đầu ra đều do Đại học Công nghệ Sydney chịu trách nhiệm", PGS.TS Vũ nói.

PGS.TS Phạm Trần Vũ chia sẻ thông tin chương trình hợp tác đào tạo, tối 9/4. Ảnh: HCMUT
Trong năm đầu tiên, chương trình sẽ tuyển 200 sinh viên, cho ngành Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ thông tin, bằng cách xét tuyển tổng hợp. Sinh viên cần đạt trình độ tiếng Anh IELTS 6.5 trở lên hoặc tương đương. Học phí chương trình khoảng 128 triệu đồng một học kỳ.
PGS.TS Vũ cho biết đây là hai lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao, gắn liền với xu thế chuyển đổi số và kinh tế số tại Việt Nam cũng như trên thế giới, cũng là thế mạnh đào tạo của hai trường.
Ông Leo Mian, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ Sydney, cho hay Đại học Bách khoa TP HCM là trường đầu tiên ngoài lãnh thổ Australia giảng dạy chương trình của UTS.
Sinh viên sẽ được học giáo trình, có quyền truy cập vào thư viện, hệ thống tài liệu trực tuyến và các dịch vụ hỗ trợ như người học tại cơ sở Sydney. Đồng thời, các em còn được hỗ trợ bởi đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập của trường Đại học Bách khoa TP HCM.

Ông Leo Mian, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ Sydney, tại buổi ký kết. Ảnh: HCMUT
Theo PGS Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Chương trình hợp tác và đào tạo quốc tế của UTS, nhiều trường ở Đông Nam Á muốn triển khai chương trình này với Đại học Công nghệ Sydney. Tuy nhiên, UTS chọn Đại học Bách khoa TP HCM vì chất lượng đào tạo, nghiên cứu trong 18 năm hợp tác giữa hai bên.
Ông Điệp đánh giá việc tổ chức đào tạo xuyên quốc gia trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật là quyết định táo bạo của UTS. Không nhiều đại học quốc tế mở hai lĩnh vực này ở Việt Nam bởi phải đầu tư nhiều vào phòng thí nghiệm, phần mềm công nghệ, đào tạo giảng viên.
"Yếu tố chúng tôi quan tâm hàng đầu là chất lượng đào tạo không khác gì tại Sydney. Giảng viên của UTS sẽ trực tiếp sang TP HCM giảng dạy. Sinh viên là người được hưởng lợi khi mức phí chưa bằng 1/3 so với học phí ở trụ sở chính của trường", PGS Điệp nói.
Về lâu dài, hai bên dự kiến mở rộng sang các ngành khác như Kỹ thuật điện tử, Thiết kế vi mạch và Kỹ thuật điều khiển – Tự động hóa, nhằm phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trường Đại học Bách khoa TP HCM và Đại học Công nghệ Sydney ký kết hợp tác. Ảnh: HCMUT
Đại học Công nghệ Sydney là một trong những trường hàng đầu tại Australia, đứng thứ 88 trong bảng xếp hạng đại học thế giới, theo QS 2025. Riêng ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo trong top 36; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin ở vị trí thứ 62.
Đại học Bách khoa TP HCM được thành lập năm 1957, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn nhất phía Nam. Trường hiện có hơn 32.000 sinh viên ở cơ sở quận 10 và TP Thủ Đức.
Theo một thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2023, cả nước có khoảng 300 chương trình liên kết quốc tế. Trong đó, hơn 62% đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài top 1.000 đại học thế giới.
Với chương trình liên kết ở lĩnh vực kỹ thuật, hiếm có đối tác nước ngoài nằm trong top 100 như UTS.
Lệ Nguyễn