Theo TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học và công nghệ (Đại học Tôn Đức Thắng), việc phong chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ là chức vụ chuyên môn ở trong trường. Hội đồng giáo sư của nhà trường đã xây dựng tiêu chí riêng, nhưng chủ yếu vẫn là dựa trên những công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế.
"Mục đích của trường là bổ nhiệm các vị trí chuyên môn để phân công công việc và chế độ phù hợp cho thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng hơn, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường”, TS Út chia sẻ.
GS Trần Văn Nhung (ngoài cùng bên phải), Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tặng hoa cho các giáo sư. Ảnh: Lan Hạ. |
Cũng theo TS Lê Văn Út, việc bổ nhiệm chức danh này trường đã tham khảo hoạt động của các trường đại học ở những nước tiên tiến, xem họ đưa ra tiêu chí như thế nào. Nội dung, quy định về việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư sẽ được thông báo rộng rãi trên website của trường để các nhà khoa học, cán bộ đăng ký, nếu họ thấy mình xứng đáng được bổ nhiệm. Ngoài ra, các nhà khoa học bên ngoài trường có nhu cầu cũng có thể đăng ký.
Đối với những giảng viên đã được Nhà nước phong giáo sư, phó giáo sư rồi, trường tiếp tục bổ nhiệm nếu đạt đủ tiêu chí của trường và giảng viên, nhà khoa học có thể sử dụng song song cả hai. Đây là bổ nhiệm chức vụ nên hàng năm trường sẽ đánh giá từng cá nhân, nếu sau một thời gian người được bổ nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ miễn nhiệm chức vụ đó.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thủ tục bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quyết định số 174 năm 2008 và quyết định 20 của Thủ tướng về sửa đổi bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”. Theo đó, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do Thủ tướng quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Nhà giáo có nguyện vọng được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đăng ký và nộp hồ sơ tại cơ sở giáo dục đại học đang tham gia làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên. Cơ sở giáo dục đại học tập hợp hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư gửi tới Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở để tiến hành thẩm định.
Theo quy định, mỗi hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư phải được ít nhất 3 giáo sư hoặc phó giáo sư cùng ngành chuyên môn với người đăng ký thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản; mỗi hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư phải được ít nhất 3 giáo sư cùng ngành chuyên môn với người đăng ký thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản.
Sau khi biểu quyết tín nhiệm bằng phiếu kín cho những người đăng ký, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học, nơi có Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở xác nhận kết quả, gửi kết quả xét và hồ sơ của các nhà giáo đạt đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ở cấp cơ sở đến cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo xác nhận danh sách.
Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước sẽ phân loại hồ sơ và chuyển cho các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành thẩm định trước khi quyết nghị bằng phiếu kín công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư cho các nhà giáo.
"Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước căn cứ nghị quyết của Hội đồng ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, chức danh phó giáo sư cho các nhà giáo", lãnh đạo Bộ Giáo dục cho hay.
Nguyễn Loan - Lan Hạ