Đầu tháng 10, các trường học tại thành phố Karachi hoạt động trở lại sau thời gian dài đóng cửa vì Covid-19. Khi 50 sinh viên Trường Điều dưỡng King Solomon quay lại học tập, nhà trường đã đóng cửa vĩnh viễn.
Nhóm sinh viên cố gắng liên lạc với Ban giám đốc, giảng viên nhà trường nhưng không ai nghe máy. Ngày hôm sau, con gái của Tasadiq Rahat, Hiệu trưởng nhà trường, gọi điện báo trường được chuyển đến nơi khác. Sinh viên sẽ nhận được thông báo về sự việc.
Người này yêu cầu nhóm sinh viên tiếp tục nộp tiền học phí qua tài khoản ngân hàng của trường. Trong các tuần tiếp theo, sinh viên vẫn không nhận được hồi âm từ Ban giám hiệu.
Mohsin Sarwar, sinh viên nhà trường, cho biết nhận thông báo trúng tuyển Trường Điều dưỡng King Solomon vào tháng 9/2018. Thời gian đầu, trường sắp xếp lịch học dày đặc cho sinh viên nhưng sau đó giảng viên bắt đầu nghỉ dạy. Dù sinh viên đã phản ánh lên Ban giám đốc, sự việc vẫn không được giải quyết.
Nhiều sinh viên phát hiện trường chưa đăng ký hoạt động với các cơ quan liên quan. Hiệu trưởng Tasadiq Rahat khẳng định trường hoạt động nghiêm túc, có giấy phép. Ông cam kết sinh viên sẽ được trả lại học phí nếu không có tên trong danh sách tham dự kỳ thi tuyển y tá của Hội đồng Điều dưỡng địa phương.
Tuy nhiên, lợi dụng việc các trường học phải đóng cửa do Covid-19, Rahat đã bỏ trốn. Nằm trong tòa nhà đi thuê, trụ sở trường học đã bị dỡ bỏ, trang thiết bị, đồ dùng đều được chuyển đi. Hiện, nhóm sinh viên vẫn không thể liên lạc với Ban giám đốc nhà trường. Họ đã gửi đơn tố cáo đến cảnh sát địa phương.
Tại Trường Điều dưỡng King Solomon, phí nhập học của mỗi sinh viên là 70.000 Rs (khoảng 10 triệu đồng), học phí hàng tháng là 7.000 Rs (khoảng một triệu đồng). Trong hai năm học, sinh viên đã nộp hơn 200.000 Rs (khoảng 28 triệu đồng).
Theo Hội đồng Thẩm định Y tá tỉnh Sindh, Trường Điều dưỡng King Solomon chưa được cấp phép. Việc đào tạo chưa đăng ký được coi là hành động bất hợp pháp. Hội đồng Thẩm định Y tá tỉnh Sidh đã yêu cầu cơ quan chức năng, cảnh sát địa phương điều tra và có hình thức xử phạt nhà trường.
Hồng Khánh (Theo The News International)