Trường Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) phải tổ chức lại cơ cấu theo quy định. Trong lúc đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hội đồng đại học, công nhận Chủ tịch hội đồng, Giám đốc đại học, trường vẫn hoạt động như cũ.
GS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng, cho biết mô hình tiêu biểu của các đại học hàng đầu thế giới có ba cấp độ quản trị: đại học (university), trường thành viên (college), phân hiệu (branch) và cấp khoa/viện (school/institute).
"Thống kê 1.000 đại học đứng đầu bảng xếp hạng tốt nhất thế giới của QS, có đến 96% là đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Việc nâng cấp mô hình thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực là cơ sở để đưa Đại học Kinh tế TP HCM nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung vươn tầm quốc tế", GS Sử Đình Thành nói.
Theo GS Thành, UEH ra chiến lược phát triển thành đại học năm 2021 với việc thành lập ba trường thành viên, gồm trường Kinh doanh UEH; trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; trường Công nghệ và Thiết kế UEH, mở phân hiệu Vĩnh Long.
Sau quyết định của Chính phủ, trường Kinh tế TP HCM trở thành đại học thứ bảy của Việt Nam, cùng với Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng và Bách khoa Hà Nội. Nhiều trường khác đặt mục tiêu thành đại học như Kinh tế Quốc dân, Y Hà Nội, Công nghiệp Hà Nội...
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học, học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học, khoa thành viên.
Để chuyển từ trường đại học thành đại học, Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ quy định các đơn vị cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, từng giải thích ý nghĩa của việc nâng cấp trường đại học thành đại học hồi năm ngoái. Theo ông, mô hình đại học sẽ giúp các trường tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường đại học và khoa trực thuộc. Bên cạnh đó, khi trở thành đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành trường thành viên. Ông Sơn cho biết việc thay đổi cơ cấu không chỉ xảy ra theo hướng cơ học, giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, mà tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo.
Đại học Kinh tế TP HCM được thành lập năm 1976, quy mô 36.000 người học ở 38 ngành trình độ đại học, 19 ngành trình độ thạc sĩ và 14 ngành trình độ tiến sĩ. Học phí của trường với chương trình đại trà năm nay là 940.000 một tín chỉ. Với chương trình dạy bằng tiếng Anh, tích hợp chứng chỉ quốc tế, mức thu dao động 1-1,6 triệu đồng một tín chỉ.
Theo bảng xếp hạng đại học có tầm ảnh hưởng (Impact Ranking) hồi tháng 6 của Times Higher Education (THE), Đại học Kinh tế TP HCM được xếp vào top 301 - 400, cao nhất trong các trường của Việt Nam.
Lệ Nguyễn