Ngày 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ 1/7/2019.
Chính sách lớn nhất được sửa đổi, theo Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng là mở rộng và nâng cao tự chủ của toàn hệ thống. Cơ chế tự chủ cao từ gói gọn trong 5 đại học và 23 trường thí điểm sẽ mở rộng cho tất cả cơ sở giáo dục đại học.
"Khi Luật có hiệu lực, các trường sẽ có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo trong tất cả phương diện: học thuật, tài chính, nhân sự... để hiệu quả nhất, phục vụ cho chính sách phát triển của nhà trường, cạnh tranh trong toàn hệ thống cũng như với quốc tế", bà Phụng nói.
Luật Giáo dục đại học sửa đổi giảm đáng kể thời gian thủ tục hành chính. Ví dụ, trước đây các trường phải báo cáo, đăng ký, đợi sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được mở ngành đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Khi Luật mới có hiệu lực, trường được quyết ngay khi có đủ điều kiện.
Bà Phụng nhấn mạnh, Luật mới cho phép các trường được tự quyết định việc mở ngành, nhưng điều kiện mở ngành, tiêu chuẩn chất lượng để mở đã được quy định chặt chẽ hơn. Ví dụ, tiêu chuẩn mở ngành phải căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường; nội lực của nhà trường (hệ thống giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo) cho ngành đó như thế nào; sự chấp nhận của xã hội cho ngành đào tạo...
Ngoài ra, việc mở ngành còn phải do Hội đồng trường quyết định. Theo quy định mới, hội đồng có tối thiểu 30% người ngoài trường, là các nhà quản lý, hoạt động xã hội, nhà khoa học... Những người này sẽ xem xét việc xã hội có cần ngành học đó hay không, điều kiện đảm bảo chất lượng của trường có đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành học...
Phân bổ ngân sách theo nguyên tắc đặt hàng nghiên cứu và đào tạo
Một số chính sách mới khác trong Luật Giáo dục đại học sửa là đổi mới quản trị đại học, kiện toàn Hội đồng trường. Theo Luật, Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học, có toàn quyền quyết định về nhân sự chủ chốt (Hiệu trưởng), chiến lược phát triển của nhà trường cũng như chủ trương đầu tư lớn. Đây là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu (các đại học công lập), tiếp nhận quyền tự chủ từ nhà nước để triển khai tự chủ ở cơ sở giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ ban hành quy định, quy chế nội bộ để minh bạch trong toàn trường cũng như để xã hội giám sát.
Luật mới khuyến khích các trường có tiềm lực sáp nhập thành đại học lớn, hoặc một số trường cùng nhóm ngành/địa phương kết với nhau thành đại học lớn đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Với cơ chế đó, các trường cũng có thể hỗ trợ, cộng lực nhau trong phát triển, nâng cao tính cạnh tranh của đại học Việt Nam với thế giới. Ngoài ra, Luật cho phép hệ thống đại học tư thục được phát triển bình đẳng, gần như là toàn bộ với trường công lập, đặc biệt là về chuyên môn.
Luật lần này cũng đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở giáo dục đại học, để tạo điều kiện cho các nhà trường tự chủ. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công khai khi tuyển sinh.
Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.