Ngày 29/7, bà Đoàn Thị Hương Thủy, Phó trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông (Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội), cho biết trường bất ngờ khi nhận công văn đề nghị dừng tuyển sinh của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) từ ngày 1/7, bởi nó quá đột ngột, không có lộ trình và nội dung không hợp lý. Việc căn cứ vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 để yêu cầu trường đại học không đào tạo hệ cao đẳng là thiếu căn cứ, bởi luật này chỉ chi phối trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Hơn nữa, đại học là một tổ chức, không đồng nghĩa với trình độ đại học.
Khẳng định căn cứ pháp lý chi phối giáo dục nghề nghiệp là Luật Giáo dục nghề nghiệp, bà Thủy dẫn khoản 5, điều 3 của Luật: "Đào tạo chính quy là hình thức đào tạo theo các khóa học tập trung toàn bộ thời gian do cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp) thực hiện để đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng".
"Cả Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp không có quy định trường đại học không được phép đào tạo trình độ cao đẳng", bà Thủy nói và cho biết đề nghị của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp gây nhiều khó khăn cho trường. Bởi mọi công tác truyền thông, tuyển sinh đã được chuẩn bị từ cuối năm 2018 và hiện đã số lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển, chờ ngày nhập học. Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội là một trong 23 trường tự chủ của cả nước nên việc dừng tuyển sinh cao đẳng sẽ ảnh hưởng đến công tác tự chủ của trường.
Phó phòng Tuyển sinh Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết thêm, từ khi được nâng cấp từ cao đẳng lên đại học vào năm 2015, hàng năm trường vẫn có gần 900 sinh viên theo học cao đẳng ở ba ngành Công nghệ may, Sửa chữa thiết bị may và Thiết kế thời trang. 100% sinh viên cao đẳng theo học các ngành này ra trường đều có việc làm, được doanh nghiệp đánh giá cao bởi khả năng tiếp cận nhanh với thực tế sản xuất.
Hiện nguồn cung của các cơ sở đào tạo cho ngành dệt may chưa đáp ứng được 30% nhân lực cần thiết cho ngành. Nếu các đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng nữa sẽ khiến tình trạng này thêm trầm trọng. "Mấy hôm nay, phụ huynh, học sinh và cả doanh nghiệp gọi điện đến thắc mắc rất nhiều khiến trường phải bố trí người thưởng trực giải thích. Chúng tôi đã nghiên cứu lại các văn bản pháp lý và chuẩn bị làm công văn gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị xem xét lại văn bản vừa rồi", bà Thủy nói.
Trường đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xem xét lại tính pháp lý của văn bản, hướng dẫn các trường thực hiện tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đảm bảo đúng luật, có tính khả thi, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa cho các cơ sở đào tạo. Đồng thời, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần phân tích, đánh giá tính đa dạng và đặc điểm của các trường đang đào tạo nhiều trình độ giáo dục nghề nghiệp, có lộ trình thực hiện phù hợp với pháp luật cũng như yêu cầu thực tiễn.
Không bị ảnh hưởng nhiều nếu thực hiện đề nghị của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, bởi năm nay chỉ tuyển 60 chỉ tiêu cao đẳng, song lãnh đạo Đại học Nông Lâm Bắc Giang không khỏi cảm thấy đột ngột.
PGS Nguyễn Quang Hà, Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm Bắc Giang, dẫn chứng những trường đang được phép đào tạo hệ cao đẳng sau khi đã qua thẩm định bài bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nay bị chuyển sang diện "không được phép". "Tôi cho rằng đó chỉ là vấn đề của phân chia quản lý nhà nước giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục nghề nghiệp, chứ không có tác dụng gì trong việc cải thiện chất lượng", ông Hà nói.
Đồng tình với quan điểm trên, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Tuyển sinh Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết, trường sẽ tuân thủ theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, song mong muốn Bộ xem xét để nhà trường tiếp tục triển khai cho hoàn tất công tác tuyển sinh và đào tạo trong năm 2019, đảm bảo quyền lợi của thí sinh, ổn định hoạt động của trường.
Được nâng cấp lên đại học từ năm 2010, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM vẫn duy trì đào tạo hệ cao đẳng với chỉ tiêu hàng năm gần 2.000. Bốn năm trở lại đây, trường giảm dần chỉ tiêu và đến năm nay với 16 ngành đào tạo trường xác định hơn 500 chỉ tiêu, tập trung vào các ngành khối kỹ thuật và công nghệ.
Từ đầu năm nay, trường đã phân bổ nguồn lực để tuyển sinh và đào tạo theo kế hoạch, các lớp tuyển sinh từ đầu năm đã học, lớp tuyển sinh trong đợt này cũng đang xác nhận nhập học, chuẩn bị học vào đầu tháng 8. "Căn cứ theo Luật Giáo dục đại học, nhưng thực sự với thông báo khá đột ngột của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhà trường sẽ bị động trong hoạt động đào tạo", ông Sơn nói.
Hiện, trường chờ đợi thông tin hướng dẫn thêm từ phía Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc xử lý đối với thí sinh đã xác nhận nhập học và chờ khai giảng. "Thực hiện theo văn bản của Tổng cục, trường sẽ dừng tuyển sinh mới, tuy nhiên cần xem xét thí sinh đã đăng ký xét tuyển, đã xác nhận nhập học được tiếp tục nhập học và nhà trường sẽ dừng sau năm 2019", ông Sơn đề xuất.
Nằm trong danh sách 45 trường bị yêu cầu dừng tuyển sinh cao đẳng, Đại học Công nghệ Sài Gòn sáng nay ra thông báo dừng và không tuyển sinh tám ngành nghề đào tạo cao đẳng (Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng...). Đối với các khóa đào tạo đã tuyển sinh trước 1/7 năm nay, trường tiếp tục đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học và cấp bằng tốt nghiệp.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tuần vừa qua đã gửi công văn tới 45 cơ sở giáo dục đại học đề nghị dừng tuyển sinh mới trình độ cao đẳng, trung cấp từ ngày 1/7. Đối với các khóa tuyển sinh trước ngày 1/7, các trường đại học tiếp tục đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học và cấp bằng tốt nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Riêng một số ngành đào tạo chuyên sâu, đặc thù, kết hợp đào tạo nghệ thuật với văn hóa, nếu các trường vẫn muốn tiếp tục đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng thì phải báo cáo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Thủ tướng xin ý kiến.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đề nghị nói trên nhằm thực hiện quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học chỉ thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (gồm đại học, thạc sĩ, tiến sĩ). Quản lý nhà nước đối với các trường đại học là Bộ Giáo dục và Đào tạo, quản lý nhà nước trình độ cao đẳng, trung cấp là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Dương Tâm - Mạnh Tùng