
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam. Ảnh: People.
Trong bài phát biểu nhân dịp 22 năm ngày Hong Kong được trao trả về Trung Quốc đại lục (1/7/1997 – 1/7/2019), trưởng đặc khu Carrie Lam thừa nhận những người biểu tình ở Hong Kong không hài lòng về dự luật dẫn độ sửa đổi gây tranh cãi và hứa sẽ "tích cực tiếp cận những người trẻ thuộc nhiều thành phần, thông qua các kênh khác nhau để lắng nghe suy nghĩ của họ".
"Tôi nhận thức một cách đầy đủ rằng tôi, với tư cách là một chính trị gia, phải luôn tự răn mình mọi lúc về việc phải nắm bắt tình cảm của công chúng một cách chính xác", bà Lam nói bằng giọng điệu từng được thấy trong hai lần xin lỗi công khai gần đây, giữa lúc các cuộc biểu tình phản đối chính quyền ở Hong Kong dâng cao.
"Tôi cũng nhận thức đầy đủ rằng bên cạnh những ý định tốt, chúng tôi vẫn cần phải cởi mở và bao dung. Song song với việc đảm bảo hiệu quả về mặt hành chính, chính quyền vẫn cần kiên nhẫn lắng nghe", bà Lam nói, đồng thời khẳng định sẽ thay đổi cách lãnh đạo theo hướng "cởi mở và thích nghi hơn".
Bà Lam tuyên bố sẽ khởi xướng các đề xuất sao cho chính quyền thành phố "đáp ứng nhanh hơn với nguyện vọng, tình cảm và ý kiến của cộng đồng". "Chúng tôi cũng cần phải cải cách bản thân khi lắng nghe quan điểm của công chúng", bà Lam nói, khẳng định một trong những cách đó là tăng cường giao tiếp giữa công dân với các cơ quan hành pháp và lập pháp.
Bà Lam đọc phát biểu tại lễ thượng cờ diễn ra bên trong Trung tâm Hội nghị và Triển lãm, với sự tham gia của các quan chức trong chính quyền Hong Kong. Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình sáng nay tràn ra đường, phong tỏa các con phố chính của thành phố để phản đối chính quyền nhân dịp 22 năm ngày Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc.
Người biểu tình sau đó đã bao vây trụ sở Hội đồng Lập pháp, yêu cầu chính quyền hủy bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi và bà Lam phải từ chức. Cảnh sát đã phải sử dụng bình xịt hơi cay và dùi cui để trấn áp những người biểu tình quá khích.
Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc đại lục từ ngày 1/7/1997, nhưng vẫn được phép duy trì hệ thống luật pháp, tư pháp riêng theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ".
Đặc khu này trong hơn một tháng qua chứng kiến nhiều cuộc biểu tình lớn với hàng triệu người tham gia nhằm phản đối dự luật dẫn độ cho phép chính quyền Hong Kong bàn giao nghi phạm cho các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc đại lục.
Những cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát đã khiến hàng chục người bị thương, hơn 30 người bị bắt. Nhiều người Hong Kong lo ngại dự luật này có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh với Hong Kong, đồng thời khiến họ bị điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật khác.
Mai Lâm (Theo Straits Times)