Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) ngày 16/2 cho biết 3 trường sẽ được thành lập trong năm 2024 và 2025 là trường Điện - Điện tử, Kinh tế quản lý, Công nghệ thông tin truyền thông. Đây là những lĩnh vực mà trường đã đào tạo nhiều năm qua.
Trước đó, HaUI đã có hai trường thành viên gồm Ngoại ngữ - Du lịch và Cơ khí - Ôtô. Việc thành lập trường trực thuộc nằm trong định hướng trở thành đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng đa năng.
Đại học Công nghiệp Hà Nội hiện đào tạo 32.000 sinh viên, trong nhóm trường dẫn đầu về quy mô đào tạo của cả nước. Mỗi năm, trường tuyển trên 7.000-7.500 sinh viên đại học.
Theo lộ trình, năm 2025, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ đủ điều kiện chuyển thành đại học theo quy định của Chính phủ. Việc nâng cấp từ trường đại học lên thành đại học được cho là cơ hội đổi mới cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong, từ đó giúp tinh gọn bộ máy quản lý, tập trung nguồn lực để phát triển hiệu quả hơn.
"Trong lộ trình chuyển đổi, bài toán của chúng tôi là tái cấu trúc các khoa sẵn có, chứ không phải là tăng quy mô", TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, chia sẻ.
Hiện, cả nước có 7 đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Bách khoa Hà Nội, Kinh tế TP HCM. Trong đó, Đại học Kinh tế TP HCM được công nhận gần nhất, vào đầu tháng 10/2023.
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành, những ngành này thuộc một hoặc một vài lĩnh vực. Trong khi đó, đại học đào tạo và nghiên cứu đa lĩnh vực, gồm nhiều trường đại học và khoa thành viên.
Để chuyển thành đại học, các trường cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.
Ngoài Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng có động thái thành lập trường thành viên, định hướng trở thành đại học.