Tôi loay hoay chọn trường công hay trường tư, tính toán mức học phí, tham khảo thông tin về đội ngũ giáo viên, tìm hiểu chất lượng giảng dạy... Cuối cùng, tôi quyết định chọn cho con một ngôi trường gần nhà, cùng cung đường đi làm của tôi, sĩ số học sinh vừa phải và có sân chơi rộng rãi; không quan trọng là trường công hay tư.
Chọn trường cho con luôn là vấn đề làm đau đầu các bậc phụ huynh. Và từ bao giờ, trong suy nghĩ của nhiều người, khái niệm trường học mặc nhiên được phân thành hai thái cực đối lập mang tên "công" và "tư".
Tôi là giáo viên trường công. Mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, bạn bè tôi lại hỏi: “Có nên cho con học trường công không?”. Trong mắt họ, trường công giống một nơi hành xác với nhiều quy định khắt khe, bài vở quá tải, cơ sở vật chất nghèo nàn, cùng nhiều hệ lụy như học thêm, quà cáp phong bì...
Nhiều người lo lắng rằng nếu học trường công, trẻ có nguy cơ không được hưởng một tuổi thơ đúng nghĩa. Nhưng thế nào là một tuổi thơ đúng nghĩa? Thật khó có được một câu trả lời thống nhất và xác đáng khi chúng ta hoàn toàn chưa đủ điều kiện để gây dựng những ngôi trường thực sự đạt chuẩn cho mọi đứa trẻ trên cả nước. Ngoài ra, tuổi thơ, theo tôi, được tạo lập không phải chỉ do phía nhà trường, mà phần nhiều do chính các bậc cha mẹ, thông qua cách nuôi dạy và định hướng cho con... Nói cách khác, trẻ trải qua một tuổi thơ như thế nào còn phụ thuộc vào quan niệm, hoàn cảnh của mỗi gia đình.
Không thể phủ nhận những hạn chế của trường công. Học sinh trường công đang thiếu hụt những giờ học phù hợp và thiết thực cho quá trình phát triển toàn diện cả trí tuệ và thể chất, thiếu hụt những hoạt động bổ trợ nhằm khơi nguồn đam mê sáng tạo và hình thành kỹ năng sống. Nỗi ám ảnh của học sinh trường công có lẽ là một thời gian biểu chính khóa nhồi nhét dày đặc các môn từ văn, toán, ngoại ngữ đến nhạc, họa, thể dục... Dù là môn văn hóa hay năng khiếu, tất cả đều được thực hiện tại lớp học, hoặc đồng loạt với trên 50 học sinh, không phân biệt năng lực và sở thích.
Nhưng trường công không có lỗi khi chưa thể xóa bỏ những mặt hạn chế trên, khi chưa thể giảm tải thời khóa biểu, giảm thiểu sĩ số, kiện toàn cơ sở vật chất, bổ trợ tiết học kỹ năng sống, hay tăng cường giáo dục thể chất. Bởi tiến trình giảng dạy, thi cử phải tuân thủ theo quy định; không có nguồn tài chính để đầu tư cơ sở vật chất hay các hoạt động ngoài chính khóa; thiếu phòng học cũng như chỉ tiêu giáo viên dẫn đến sĩ số đông...
Rất nhiều lý do để một bộ phận không nhỏ phụ huynh quay lưng với trường công. Tìm đến trường tư, mang theo kỳ vọng con em mình được hưởng trọn một tuổi thơ hồn nhiên, tự do, học ít chơi nhiều, mặt khác, vẫn có đầy đủ cơ hội để phát triển đam mê và năng lực, đang là xu thế khá phổ biến.
Nhưng một phụ huynh của tôi, sau khi xin chuyển trường cho con, từ trường tư về trường công, đã tâm sự rằng, mong cô thật nghiêm khắc, ép cháu vào khuôn khổ, bởi mấy năm học trường tư cháu được cưng chiều, quen thói tự do, đến mức vô kỷ luật, vượt quá những giới hạn cho phép. Tôi không dám khẳng định rằng môi trường trường tư, với những đặc thù riêng, đã ít nhiều góp phần khiến đứa trẻ phát huy bản ngã tự do, vô kỷ luật. Tôi chỉ băn khoăn một điều, trẻ như cây non, nên thả lỏng để phát triển tự nhiên hay uốn nắn để đưa vào quy củ? Và ở trường tư, đâu là giới hạn của sự thả lỏng để phát triển tự nhiên?
Một số bạn bè tôi chọn trường tư cho con, ban đầu cũng với suy nghĩ muốn con được giảm tải bài vở, được chơi nhiều hơn học. Nhưng trên thực tế, ngoài giờ lên lớp, các cháu vẫn triền miên đi học thêm. Tham vọng của phụ huynh cuối cùng vẫn không khác, là muốn con thi đỗ vào trường chuyên lớp chọn, đạt được một bảng thành tích đáng nể, và tìm cơ hội du học...
Chúng ta hình như đang lẫn lộn giữa điều chúng ta muốn với điều bọn trẻ muốn, giữa điều chúng ta nghĩ và điều bọn trẻ nghĩ. Chúng ta hình như đang sợ hãi thái quá, đang tự nhân những trường hợp cá biệt thành phổ biến. Và khi một suy nghĩ cá nhân vô tình lan tỏa thành trào lưu, thì lúc đó mọi sự đã vượt ra ngoài bản chất thật của nó.
Tôi có thói quen trò chuyện với học sinh. Tôi hay hỏi rằng: “Ở nhà các em có trò chuyện với bố mẹ không?”. Phần đông trả lời đại loại rằng: “bố mẹ đi cả ngày, tối về mỗi người một cái điện thoại hoặc máy tính, chơi game, lướt web hoặc làm việc, chẳng mấy khi hỏi han đến con”.
Tôi thấy không hài lòng. Vậy mất công chọn trường cho con để làm gì khi ngôi trường quan trọng nhất chính là gia đình thì ở đó con lại cảm thấy bị bỏ rơi? Học trường công hay trường tư, theo tôi, ở đâu cũng có những mặt tốt và mặt chưa tốt.
Chất lượng tuổi thơ của trẻ không chỉ được quyết định bởi ngôi trường mà trẻ theo học, bởi công hay tư, mà còn bởi chính gia đình, chính tư chất của từng đứa trẻ. Trường công hay trường tư đều là vô nghĩa nếu các bậc phụ huynh lỡ quên điều đó.
Đỗ Sông Hương