Sau bài viết về trưởng công an xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, Đăk Lăk) đá văng hàng hóa của người dân khi dọn dẹp vỉa hè sáng 3/10, VnExpress đã nhận hàng nghìn bình luận của độc giả.
Phần lớn các ý kiến đều bức xúc hành động của người cán bộ này và cho đây là biểu hiện của sự bất lực trước việc người dân liên tục lấn chiếm vỉa hè.
(Video: Facebook)
Bạn đọc Minh Đức nói: "Những cú đá thùng rau, thau cá của anh ấy có lẽ là sự tích tụ lâu ngày của việc nhắc nhở người dân hoài không được. Nhà tôi ngay chợ nên hiểu cái tâm lý thích lấn ra giữa đường của người bán. Họ chỉ muốn phần mình mà sẵn sàng bỏ qua cái chung và xô xát với cơ quan quản lý".
Vậy phải làm thế nào để giải quyết được vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường? Đó là câu hỏi mà nhiều bạn đọc quan tâm nhất, khi một bên kiên quyết lập lại kỷ cương, còn một bên vì “miếng cơm, manh áo” mà bất chấp dù vẫn biết hành vi của mình là trái pháp luật.
Bạn đọc Gia Huy đặt vấn đề: "Tôi thấy nhiều nơi chính quyền xây cho dân cái chợ rất to nằm ngay cạnh đường nhưng không hiểu sao vẫn có nhiều người cứ ra bán hàng ở lề đường. Khi đội trật tự đô thị đến thì họ vội vàng gom hàng chạy hoặc thu gọn đồ, chờ cơ quan quản lý đi qua họ lại tiếp tục bày ra.
Nếu người dân cứ đối phó hoài như vậy mà chính quyền không có biện pháp xử lý triệt để, thì sẽ mãi chỉ là một cái vòng luẩn quẩn. Giống như ở TP HCM, chiến dịch kiến quyết đòi lại vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải - phó chủ tịch quận 1 đã diễn ra nhiều tháng nhưng đến nay vẫn đặt ra nhiều câu hỏi".
Xem thêm:
>>Thiếu phụ chắp tay van xin dân phòng đừng tịch thu tôm ghẹ
>>Người phụ nữ gào khóc giằng xe kem bán rong với 6 dân phòng
>> Chủ tiệm tạp hóa đâm bút bi vào mặt cán bộ giành lại vỉa hè
>> Ai cho phép dân phòng quyền bắt bớ người dân?
Còn nickname Ong Bắp Cày cho biết, để giải quyết được tình trạng này, chính quyền cần phải có thêm một đội đi làm công tác tư tưởng cho người dân ở các chợ và những gia đình buôn bán ở mặt tiền. Thay vì lâu nay chỉ cưỡng chế, đập bỏ, phá hủy... không những gây lãng phí, nguy hiểm mà còn để lại hậu quả tiêu cực trong tâm lý xã hội.
"Gia đình tôi buôn bán ở mặt đường 20 năm, đã có thời điểm từng trải qua hoàn cảnh y như người dân trong video trên. Nhưng nay mọi thứ đã ổn định khi mặt đường có mức phân chia giới hạn rõ ràng.
Điều quan trọng hơn là cán bộ địa phương đã làm công tác tư tưởng, tuyên truyền cho người dân rất tốt. Họ giúp cho người dân hiểu rõ được lợi ích của mình phải đi đôi với lợi ích chung của xã hội", nickname Ong Bắp Cày chia sẻ.
Nhưng 'làm công tác tư tưởng" liệu có hiệu quả, khi ý thức đã trở thành một khái niệm thật mơ hồ, và là nơi chúng ta đổ lỗi khi cảm thấy mình bất lực trước nạn lấn chiếm vỉa hè, cũng như kẹt xe, là những căn bệnh xã hội đã quá trầm kha. Đã có rất nhiều xung đột giữa đội quân dẹp vỉa hè và những người bán hàng rong và những hộ kinh doanh bám vỉa hè, chẳng lẽ chúng ta lại tiếp tục đổ lỗi cho "ý thức"? Đâu là công cụ hành chính, pháp luật hữu hiệu?
Ở Sài Gòn, ông phó chủ tịch quận 1 đang đương đầu với nạn lấn chiếm vỉa hè ở thế "cưỡi lưng hổ". Ở Đăk Lăk, trưởng công an xã nổi xung đá bay hàng của bà bán cá. Tất cả đều có một mẫu số chung: hỗn loạn vỉa hè tại Việt Nam. Vậy giải pháp nào mới là căn cơ?
>> Xem thêm: Du khách Tây ngã dập mặt vì móc sắt trên vỉa hè quận 1
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.