Hôm 13/2, ông Mori thông báo từ chức, đồng thời xin lỗi trong cuộc họp của Ban tổ chức Olympic. "Tôi nhận ra những điều mình nói đã đi ngược lại tinh thần của Thế vận hội và Paralympic. Tôi vô cùng hối hận", ông nói.

Ông Mori cúi đầu xin lỗi sau khi thông báo từ chức hôm 13/2. Ảnh: Reuters
Hồi đầu tháng Hai, chính trị gia 83 tuổi khiến dư luận Nhật Bản dậy sóng với một phát ngôn về phụ nữ trong cuộc họp của BTC Olympic. Theo tờ Asahi Shimbun, khi trả lời câu hỏi về kế hoạch nâng tỷ lệ phụ nữ trong BTC lên hơn 40%, ông Mori đã nói: "Nếu một thành viên nữ giơ tay phát biểu, những người khác cũng thấy cần phải lên tiếng. Ai cũng sẽ nói gì đó. Nếu tăng số thành viên hội đồng là nữ, chúng ta phải đảm bảo phần nào hạn chế thời gian phát biểu của họ. Họ có vấn đề trong việc kết thúc câu chuyện, điều này thật khó chịu".
Phát biểu này này lộ ra ngoài khi các nhà tổ chức chia sẻ kế hoạch đảm bảo an toàn cho VĐV dự sự kiện. Các tổ chức liên quan phụ nữ trên thế giới và Nhật Bản phản ứng dữ dội, cho rằng đây là biểu hiện của phân biệt giới tính. Theo Japan Times, 500 tình nguyện viên bỏ việc vì bất mãn phát biểu của vị Trưởng BTC. Một số nhà tài trợ cũng bày tỏ lo ngại khi sự việc bị đẩy đi quá xa.
Theo cuộc thăm dò của Kyodo News, gần 60% số người được hỏi nói ông Mori không còn thích hợp đứng đầu BTC Thế vận hội Tokyo 2021. Chỉ khoảng 7% cho rằng ông đủ tiêu chuẩn.
Sau thông báo từ chức, ông Mori nhấn mạnh điều quan trọng nhất là tổ chức thành công Thế vận hội vào tháng Bảy tới. Chủ tịch Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach, cùng Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ họp trước khi chọn người thay ông Mori.
Một tiểu ban tuyển chọn Trưởng BTC mới gấp rút được thành lập. Theo Giám đốc Điều hành Toshiro Muto, tiểu ban này gồm cả thành viên nam, nữ và sẽ họp lần đầu tiên vào tuần này. Theo Nippon TV, các thành viên sẽ đệ trình tên ứng cử viên và chọn chủ tịch mới ngay trong tuần. Tuy nhiên, nếu ứng viên quá nhiều, quá trình sẽ kéo dài tới tuần sau.
Ứng viên đứng đầu danh sách là Seiko Hashimoto, Bộ trưởng phụ trách Thế vận hội Tokyo và là cựu VĐV Olympic. Hashimoto là một trong hai phụ nữ duy nhất trong nội các của Thủ tướng Yoshihide Suga. Danh sách còn có Mikako Kotani - một VĐV Olympic từng phục vụ trong Uỷ ban Olympic Nhật Bản. Ứng cử viên khác là Daichi Suzuki - VĐV bơi từng đoạt HC vàng Olympic. Koji Murofushi, một VĐV từng đoạt HC vàng Olympic môn ném búa, cũng có tên trong danh sách.
Ông Mori thì tiến cử Saburo Kawabuchi, 84 tuổi, cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) làm người kế vị. Nhưng các quan chức Nhật Bản phản đối, cho rằng ông Mori không đủ tư cách tiến cử. Ngay trước khi Yoshiro Mori từ chức, ông Kawabuchi cũng nói sẽ không nhận vị trí này.
Giữa bối cảnh Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều nước với biến chủng mới, việc Olympic có được tổ chức hay không vẫn là câu hỏi lớn. Nhật Bản đang chịu tổn thất nặng nề vì sự kiện bị hoãn từ mùa hè năm 2020. Chi phí thuê đất, chi trả cho tình nguyện viên, bảo quản cơ sở vật chất... đang là gánh nặng cho BTC. Việc ông Mori - một người giàu kinh nghiệm - không còn đảm đương vị trí, càng đẩy BTC Olympic Tokyo 2020 vào thế khó. Theo một cuộc thăm dò gần đây, 77% người dân Nhật Bản đồng ý huỷ bỏ hoàn toàn sự kiện.

Ông Mori làm Trưởng BTC Olympic Tokyo suốt bảy năm, sau khi được Thủ tướng Nhật Bản khi đó - ông Shinzo Abe - bổ nhiệm.
Cũng trong ngày 13/2, BTC Olympic 2021 phát hành bản quy tắc phòng chống Covid-19 dành cho các VĐV trước ngày tham dự. Trong 33 trang tài liệu có đoạn cảnh báo, nếu VĐV không tuân thủ có thể bị phạt dừng thi đấu, hoặc loại khỏi Thế vận hội.
Theo đó, VĐV không được phép bắt tay, ôm hoặc giao lưu với nhau và nên "tránh các hình thức tiếp xúc không cần thiết". Bốn ngày một lần, VĐV được xét nghiệm, và nếu dương tính với Covid-19, sẽ bị cấm thi đấu. Trong vòng 72 giờ sau khi lên đường tới Nhật Bản, họ sẽ phải xét nghiệm Covid-19. VĐV được miễn cách ly và tham gia các buổi tập. Tuy nhiên, mọi hoạt động di chuyển và sử dụng phương tiện công cộng đều phải ghi lại.
Khác các kỳ Olympic trước, thời gian lưu lại Nhật Bản và ở lại làng VĐV sẽ giữ ở mức tối thiểu. Phòng tập thể dục, khu du lịch, cửa hàng, nhà hàng, quán bar... là những điểm VĐV bị cấm tới. VĐV chỉ có thể tới các địa điểm chính thức của Thế vận hội. Khẩu trang đeo mọi lúc, trừ khi đi ăn, thi đấu, tập luyện hoặc khi ở ngoài trời, trong không gian thoáng.
Theo hãng tin AFP, ban tổ chức lên kế hoạch phát khoảng 150.000 bao cao su miễn phí cho VĐV dù đã đưa ra yêu cầu "hạn chế tiếp xúc với người khác càng nhiều càng tốt". Bản hướng dẫn cho các VĐV sẽ được điều chỉnh, cập nhật hai lần nữa vào tháng Tư và tháng Sáu.
Hồi đầu tháng 1/2021, Ban tổ chức Olympic Tokyo khẳng định không hủy sự kiện nhưng để ngỏ khả năng cho phép cổ động viên nước ngoài tham gia. Các quyết định sẽ được đưa ra trước tháng Ba, khi chặng rước đuốc trong lãnh thổ Nhật Bản sẽ bắt đầu ở tỉnh Đông Bắc - Fukushima. Olympic dự kiến khai mạc ngày 23/7.
Ban đầu, Olympic được lên kế hoạch tổ chức vào mùa hè năm 2020 - từ ngày 24/7 tới 9/8 - nhưng phải hoãn lại một năm vì đại dịch Covid-19 bùng phát. Nước chủ nhà đã đầu tư 10.000 tỷ Yên (khoảng 9,2 tỷ USD) để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Olympic.
Thuỳ Liên (theo Japan Times)