Yêu cầu được Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đưa ra tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, chiều 16/12.
Theo ông Nghĩa, tới đây Bộ Chính trị có chủ trương, quyết sách mới với một khâu rất đặc biệt là tạo đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển chuyển đổi số. Báo chí phải tiên phong đi đầu trong thực hiện điều này.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu các cơ quan báo chí cần tập trung cao độ cho tuyên truyền việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. "Báo chí cần chủ động đi trước định hướng dư luận xã hội để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhanh chóng thực thi", ông nói.
Theo ông Nghĩa, việc tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm số lượng cơ quan truyền thông không đơn thuần một cách cơ học, mà mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, để mỗi đơn vị mạnh hơn. Nhà nước sẽ có cơ chế bảo đảm quyền lợi cho cơ quan báo chí, những người làm báo bị tác động khi sắp xếp, tinh gọn; có chính sách đầu tư giúp các đơn vị hoạt động ổn định.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị thời gian tới các báo, đài tập trung tuyên truyền mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhằm lan tỏa, tạo động lực cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy cả nước hiện có 884 cơ quan báo chí (812 báo, tạp chí và 72 đài truyền hình), với khoảng 41.000 nhân sự. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các báo đài hiện nay là nguồn thu từ quảng cáo, phát hành sụt giảm. Nền công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các đơn vị. Lượng phát hành báo, tạp chí in giảm mạnh do độc giả chuyển sang đọc trực tuyến hoặc mạng xã hội.
Hiện có khoảng 80% thị phần quảng cáo trực tuyến vào các nền tảng xuyên biên giới (YouTube, Facebook, TikTok...), 20% còn lại là các báo điện tử, doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến. Ngoài ra các trang tin, trang mạng xã hội cũng thu hút doanh nghiệp quảng cáo, từ đó thu hẹp thị phần của báo chí.
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Hà Nội Mới, cho rằng cần thiết phải sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên câu chuyện đặt ra là sáp nhập thế nào tiết kiệm nguồn lực xã hội, quá trình thực hiện gặp vướng mắc gì, giải pháp nào cho đơn vị mạnh hơn.
Ba báo sẽ sáp nhập vào Báo Hà Nội Mới lần này là: Lao động Thủ đô, Phụ nữ Thủ đô và Tuổi trẻ Thủ đô với nhân sự khoảng 150 người. Nếu cộng vào, nhân sự Hà Nội Mới tăng lên khoảng 320 người.
"Chúng tôi loay hoay mô sinh sáp nhập như thế nào? Ba báo này thành ba ban của Báo Hà Nội Mới hay là tổ hợp thông tin truyền thông, tập đoàn báo chí...", ông Đức nói, cho hay nếu Luật Báo chí có mô hình tập đoàn hay tổ hợp truyền thông, việc sáp nhập, tinh gọn đầu mối báo chí... thuận lợi hơn, đem lại hiệu quả.
Ông Đức kiến nghị đối với những tên miền đã có thương hiệu, lúc sáp nhập cần xem xét cho tồn tại, chứ nếu biến thành tên miền thứ hai sẽ rất khó. Cơ quan chủ quản, các địa phương cần có chính sách việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp đối với đội ngũ nhân sự dôi dư sau sáp nhập. Bởi những phóng viên tuổi 40-55 nằm trong diện này gặp khó khăn trong chuyển đổi, tìm công việc mới.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết các đơn vị báo chí sắp xếp lần này sẽ thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, mô hình hoạt động, tôn chỉ, mục đích phù hợp chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản mới.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các đơn vị báo chí, cơ quan chủ quản sớm có phương án sắp xếp, tinh gọn đảm bảo hiệu quả. "Chúng tôi sẽ phối hợp đơn vị liên quan sớm có buổi họp với cơ quan báo chí, chủ quản để lắng nghe khó khăn, vướng mắc, có phương án xử lý, hỗ trợ...", ông Phương nói.
An Bình