Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/9 cho ý kiến việc giám sát chuyên đề thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016-2021. Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội cho biết trong giai đoạn này, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp gần 2,8 triệu lượt công dân, với hơn 24.000 lượt đoàn đông người. Trong đó, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan tiếp 75.000 lượt; bộ, ngành 472.000 lượt; các địa phương 2,2 triệu lượt.
So với quy định, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 38%. Tỷ lệ lần lượt của chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã là 56%, 94% và 49%. Một số tỉnh, thành có tỷ lệ chủ tịch cấp xã tiếp công dân định kỳ thấp, chủ yếu là ủy quyền cho cấp phó như Hà Nội, Nam Định, Sóc Trăng, Thanh Hóa.
Đại diện đoàn giám sát, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đánh giá việc tiếp dân của người đứng đầu chưa được quan tâm đúng mức. Cán bộ làm công tác tiếp dân chưa đúng quy định, "có nơi bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng". Trách nhiệm của một số cán bộ, người đứng đầu chưa cao...
"Cần nghiên cứu sửa đổi quy định về mô hình tiếp công dân cấp huyện; về tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập", ông Bình đề xuất.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh băn khoăn với số liệu tiếp công dân tại cơ quan, địa phương quá thấp, như có bốn, năm bộ trưởng trong 5 năm không tiếp; bộ, ngành, cơ quan khác tỷ lệ dưới 20% chiếm đa số; bốn UBND cấp tỉnh không có số liệu là Bắc Ninh, Đồng Nai, Kiên Giang và Nghệ An. "Tôi không rõ do không báo cáo hay là không tiếp?", bà Thanh đặt câu hỏi.
Bà Thanh cho rằng rất bất cập khi tỷ lệ tiếp công dân của chủ tịch UBND xã chỉ đạt 49%, vì đây là cấp "sát dân nhất". Bà đề nghị làm rõ do chủ tịch xã thiếu trách nhiệm, hay người dân nhận thấy năng lực của người đứng đầu cấp xã không thể giải quyết nên quyết định bỏ qua để lên cấp huyện? Cần bố trí cán bộ có năng lực, trách nhiệm tiếp công dân.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân là việc "rất khó, rất đụng chạm". Do đó, ở nhiều cơ quan, địa phương vẫn còn tình trạng ngại, trốn tránh. Thậm chí, cơ quan niêm yết lịch tiếp nhưng người dân không đến vì niêm yết để trong cơ quan, nhưng dân đến cổng có bảo vệ gác, không biết lãnh đạo tiếp lúc nào. "Cần chấn chỉnh việc này", ông Định nói.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội, việc tiếp công dân phải thực sự cầu thị, chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu người đứng đầu cơ quan, địa phương khi xem xét mà nghe theo cấp dưới, cơ quan tham mưu, cho rằng việc này giải quyết rồi, không rà soát, xem xét lại sẽ dẫn đến vụ, việc không được giải quyết ổn thỏa, khiếu kiện kéo dài.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặt vấn đề xem lại quy định về tiếp công dân của người đứng đầu. "Quy định này là phù hợp mà chúng ta không thực hiện được hay là bản thân quy định pháp luật không phù hợp?", ông Huệ đặt vấn đề, đề nghị tìm giải pháp khả thi tăng cường trách nhiệm người đứng đầu.
Luật Tiếp công dân quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng; chủ tịch UBND cấp huyện ít nhất hai ngày trong một tháng; Chủ tịch UBND xã ít nhất một ngày trong một tuần.
Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương ít nhất một ngày trong một tháng. Ngoài ra, người đứng đầu các cơ quan Nhà nước phải tiếp công dân ít nhất một ngày một tháng tại trụ sở cơ quan mình, bao gồm bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục...