Sáng 20/5, tập hợp ý kiến người dân của Mặt trận Tổ quốc và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2018) đã nêu nhiều vấn đề nóng; trong đó có tăng giá điện, giá xăng.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài làm người dân lo lắng, băn khoăn. "Vấn đề này đã được Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019", bà Hải nói.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN Trần Thanh Mẫn thì khẳng định, việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong thời gian qua đã có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài nội dung trên, cử tri nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị Quốc hội nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm tra các dự án luật, đặc biệt là đánh giá tác động của các chính sách mới.
Nhiều cử tri kiến nghị bổ sung hành vi quấy rối tình dục vào văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; các mức xử phạt trong nghị định liên quan cần được sửa đổi đảm bảo nghiêm khắc, có tính răn đe, tránh để tình trạng như vừa qua với hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại một chung cư ở Hà Nội, nhưng mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm chỉ có 200.000 đồng.
"Mức phạt khiến dư luận bức xúc vì chưa tương xứng với hành vi và tác động xấu mà nó gây ra về dư luận xã hội", bà Hải nói.
Bà Hải cho hay, cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, hoàn thiện các quy định về thể lệ, tiêu chuẩn đối với các cuộc thi sắc đẹp, đảm bảo mục đích tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.
Theo người dân, điều này nhằm tránh tình trạng như vừa qua, tổ chức quá nhiều cuộc thi sắc đẹp nhưng chưa đảm bảo được mục đích, ý nghĩa của các cuộc thi. Một số vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan đến các người đẹp đạt giải như môi giới mại dâm, bán dâm, có lối sống không lành mạnh, thiếu trách nhiệm với danh hiệu đạt được... đã tác động lớn đến đạo đức, lối sống một bộ phận thanh niên, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục.
"Bộ Văn hoá thừa nhận, hiện nay một số quy định của pháp luật đối với tổ chức, quản lý hoạt động thi người đẹp đã không còn phù hợp và hiện Bộ đang tiến hành rà soát, xây dựng dự thảo Nghị định để thay thế các quy định còn bất cập này, trình Chính phủ trong năm 2019", Trưởng ban Dân nguyện thông tin.
Báo cáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN nêu, người dân phản ánh công tác quản lý mạng xã hội chưa chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt, làm ảnh hưởng xấu tới lối sống thanh, thiếu niên và trật tự an toàn xã hội. Một số vụ việc như: vụ "Khá Bảnh", vụ Phúc "XO"... phát tán nhiều video và hình ảnh có tính chất "giang hồ" trên mạng xã hội với mục đích "đánh bóng tên tuổi" nhằm "trục lợi" ảnh hưởng xấu tới lối sống của thanh thiếu niên và trật tự an toàn xã hội.
"Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội", Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN Trần Thanh Mẫn nói.